Vừa trải qua thời gian “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì đại dịch COVID - 19; tiếp sang tháng Năm, liên tục 2 trận dông lốc ập đến gây hỏng nhiều cơ sở vật chất và tài sản, nên gần suốt tháng Sáu, cán bộ, học viên được huy động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho học viên khi đang chấp hành thực hiện cai nghiện ma túy. - Ông Dương Văn Đương, Giám đốc cơ sở tư vấn và điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng phòng Hành chính cho biết: Quân số học viên tại Cơ sở thường xuyên có biến động. Hiện học viên đang chấp hành cai nghiện tại Cơ sở là 403 trường hợp, trong đó 92 trường hợp không nơi cư trú ổn định. Về điều trị, cấp phát thuốc Methadone có 152 trường hợp. Đến giữa tháng 6 có 66 trường hợp ra khỏi chương trình điều trị và chuyển đi nơi khác.
Để giúp người lầm lỡ chấp hành cai nghiện ma túy thành công, ngay khi mới tiếp nhận, các trường hợp vào cai nghiện đều được cán bộ chuyên môn của Cơ sở tiếp cận, khám bệnh, thăm hỏi để đánh giá mức độ sử dụng ma túy và các vấn đề tâm lý, xã hội, bệnh lý tâm thần của người sử dụng ma túy. Trên cơ sở đó cán bộ chuyên môn xây dựng được phác đồ điều trị riêng cho từng trường hợp, đồng thời tư vấn xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp với từng người, như: điều trị, cai nghiện toàn diện sinh học, tâm lý, xã hội cho người nghiện các loại ma túy nhóm Heroine và dạng thuốc phiện, nhóm ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, nhóm ma túy gây ảo giác và các chất ma túy. Bắt đầu là cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe theo phác đồ an thần kinh; điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch, điều trị Lao và các bệnh cơ thể, các triệu chứng rối nhiễu tâm lý - hành vi do sử dụng các loại ma túy tác động tâm thần và các bệnh cơ thể khác theo phác đồ điều trị chuyên khoa sâu. Sau cắt cơn giải độc, sức khỏe học viên bình phục nhanh, tích cực tham gia các hoạt động chung, như: đọc sách báo, văn nghệ, thể thao, tìm hiểu kiến thức pháp luật...
Cũng trong thời gian chữa bệnh tại Cơ sở, các học viên được cán bộ hướng dẫn tham gia lao động trị liệu, như: dệt mành, trồng rau, chăn nuôi gà lợn, làm nơ và xây dựng. Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động trị liệu cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, các học viên tham gia với tổng số hơn 20.000 ngày công lao động. 70% số tiền công được trả cho học viên thông qua bổ sung trực tiếp vào bữa ăn và nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm sinh hoạt của học viên. Cách làm này tạo cho học viên tâm lý thoải mái, yên tâm gắn bó và tích cực hợp tác với cán bộ trong suốt quá trình chấp hành cai nghiện.
Ông Đương cho biết thêm: Chúng tôi luôn tôn trọng những người vì lầm lỡ mà phải đến đây cai nghiện. Tôi mong muốn sẽ không gặp lại bất cứ ai phải trở lại nơi này. Chúng tôi đã làm hết sức mình với mong muốn giúp họ nhận thức được giá trị của cuộc sống không ma túy. Nên toàn bộ học viên khi sắp hết thời gian chấp hành cai nghiện, chúng tôi gần gũi, trò chuyện, tìm hiểu xem họ đi về đâu. Và hướng dẫn cho mỗi người tự xây dựng một bản kế hoạch cho việc chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Để khi về lại đời thường, họ không bị hụt hẫng và tránh được cạm bẫy ma túy.