Đến nay, đại đa số những người được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận tiền. Tuy nhiên, có địa phương xảy ra tình trạng thiếu kịp thời, cần phải rút kinh nghiệm. Ở đây, chúng tôi đề cập thực tế diễn ra tại xã Tân Lợi (Đồng Hỷ).
Nhiều người dân xóm Cầu Lưu (xã Tân Lợi) phản ánh về những bất cập khi triển khai hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương này. Người dân cho rằng, cán bộ xóm, xã đã thống kê thiếu khoảng 50 người lẽ ra phải được hỗ trợ ngay từ đầu, việc lập danh sách hỗ trợ có biểu hiện thiếu công bằng. Khi người dân thắc mắc cán bộ xã, xóm giải thích không rõ ràng, có thái độ không đúng mực.
Gia đình chị Trương Thị Lan thuộc diện cận nghèo, có 5 nhân khẩu nhưng đợt hỗ trợ đầu chỉ có 4 mẹ con chị được nhận. Chồng chị là anh Tạ Văn Tuấn đi làm xa từ tháng 2-2020 nên trưởng xóm không đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ. Nhà bà Triệu Thị Khôn là gia đình chính sách, có 7 nhân khẩu nhưng đợt đầu chỉ có mình bà được nhận hỗ trợ, 5 người con đi làm xa nên không được đưa vào danh sách. Các gia đình khác như: bà Nguyễn Thị Thu, anh Lộc Văn Điệp, bà Nguyễn Thị Ngọc, bà Hà Thị Lê… cũng đều có người đi làm xa, có tên trong sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hỗ trợ từ đầu.
Khi người dân thắc mắc thì xóm Cầu Lưu tổ chức họp dân, có cán bộ văn hóa xã về dự để giải thích. Chị Trương Thị Lan nói: Tại cuộc họp đó, họ giải thích không rõ, xã bảo hỏi xóm, xóm bảo hỏi xã. Cuối cùng, chúng tôi phải lên gặp Chủ tịch UBND xã để nghe giải thích.
Trưởng xóm Cầu Lưu, anh Dương Văn Chung phân trần: Tôi không có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp trên, chỉ có nhiệm vụ xác nhận những người cụ thể đang có mặt tại địa phương hay không, hoặc những thay đổi nhân khẩu trong sổ hộ khẩu của người dân. Việc không đưa vào danh sách hỗ trợ từ đầu những trường hợp như trên là tôi làm theo chỉ đạo của xã: “Không tổng hợp, đề nghị những nhân khẩu không có mặt ở địa phương trong thời điểm phòng, chống dịch”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ xóm Cầu Lưu mà tại một số xóm của xã Tân Lợi cũng xảy ra tình trạng tương tự nhưng ít hơn. Sau khi có chỉ đạo từ cấp trên và ý kiến của người dân, xã Tân Lợi đã thành lập Tổ công tác đến tận nhà dân để xác minh những người không có mặt tại địa phương. Kết quả là xã có 28 người được bổ sung vào danh sách hỗ trợ. Đến ngày 9-6 vừa qua, việc chi trả hỗ trợ cho 28 người được bổ sung cơ bản xong nhưng việc tổ chức chi trả cũng khiến người dân băn khoăn, thiếu đồng tình. Bà Triệu Thị Khôn phản ánh: Trong giấy mời, xã yêu cầu đích danh người được hỗ trợ phải đến nhận tiền nhưng các con tôi sau đợt nghỉ dịch lại đi làm xa, nhiều nhà khác cũng vậy. Chúng tôi phải trình bày, giải thích mới được chấp nhận… Theo phản ánh của người dân, trong đợt hỗ trợ lần đầu, có người phải đi lại nhiều lần mới nhận được tiền vì việc tổ chức chi trả thiếu hợp lý.
Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, chị Bùi Thị Tĩnh thừa nhận có tình trạng người dân thắc mắc. Về nguyên nhân, chị Tĩnh cho biết: Tân Lợi là xã miền núi khó khăn nên đối tượng thuộc diện được hỗ trợ nhiều (riêng số người thuộc hộ nghèo và cận nghèo đã là trên 2.000); thời gian triển khai gấp nên có lúng túng, sơ xuất. Việc cán bộ chuyên môn của xã và cán bộ một số xóm giải thích không rõ nghĩa (những trường hợp tạm dừng hỗ trợ để xác minh thì lại trả lời là không được hỗ trợ - PV) cũng khiến người dân hiểu lầm.
Nói trên phạm vi toàn huyện, chị Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: Ngoài xã Tân Lợi cũng có một vài địa phương có số người phải tạm dừng hỗ trợ để xác minh hoặc đưa vào danh sách bổ sung đợt 2 khá lớn. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai hỗ trợ để người dân không phải chờ lâu. Đến nay, cơ bản đã chi trả xong cho các đối tượng.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc tại huyện Đồng Hỷ cũng như một số nơi khác, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, khối lượng công việc lớn lại phải triển khai nhanh nên không ít địa phương gặp lúng túng, nhiều vướng mắc phát sinh. Việc rà soát, xác minh máy móc cũng khiến công tác hỗ trợ thiếu kịp thời. Nhưng để xảy ra tình trạng người dân bức xúc, không được giải thích rõ ràng như tại xã Tân Lợi là không đáng có. Đây là điều cần rút kinh nghiệm trong công tác dân vận, triển khai hỗ trợ một số nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.