Xử lý thông tin trong môi trường cạnh tranh

10:01, 18/06/2020

Ngày nay, khi mạng xã hội càng ngày càng phát triển và trở nên phổ cập, mỗi người dân đều có thể là một nhà báo cạnh tranh với các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp trên mặt trận thông tin. Nhanh, chính xác và có tính định hướng dư luận là nhiệm vụ quan trọng hơn lúc nào hết đối với các cơ quan báo chí chính thống.

Trong những hoàn cảnh cụ thể, truyền thông xã hội tạo nên dư luận mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Song tựu trung, báo chí và truyền thông có vị trí vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh cho công bằng, tiến bộ xã hội. Truyền thông xã hội đem lại nhiều thông tin sống động trong tất cả mọi sự vận động của đời sống xã hội, nhưng tính chính xác và độ tin cậy chưa cao, mà mới chỉ mang lại sự tò mò theo một tư duy chủ quan mang tính chất tức thì (có thể đúng, có thể chưa chính xác). Nhưng không vì thế mà báo chí hiện đại lại chậm trễ hành động để đưa đến công chúng thông tin đúng đắn.

Với nền tảng công nghệ và phương tiện đa dạng như hiện nay, nhà báo chuyên nghiệp có thể đưa tin theo nhiều hình thức: Khởi đầu sự việc - diễn biến - kết quả - ảnh hưởng trong xã hội (dư âm) - tác động trực tiếp, gián tiếp đến đời sống và pháp luật, cơ chế, chính sách... Thay vì đưa một bản tin “truyền thống” gói gọn trong cấu trúc: Cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao, ai và kết quả thế nào?

Nhà báo Anh Tuấn -  tác giả bản tin thời sự chuyển động 24h của truyền hình VTV chia sẻ về kinh nghiệm xử lý, kiểm soát thông tin khi đưa tin vụ cháy quán Karaoke khiến 13 người thiệt mạng tại phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội): Sự việc xảy ra lúc 13 giờ 50 phút ngày 1/11/2016, khi trên trang Facebook cá nhân xuất hiện những đoạn video đầu tiên của người đi đường đăng phát trực tiếp. Tác giả hiểu rằng tới vị trí cháy rất xa và khó tiếp cận. Chính vì vậy, phương án được đưa ra là liên hệ ngay chủ tài khoản trang Facebook đó tiếp tục ghi hình theo hướng dẫn của nhà báo để có khuôn hình chất lượng cao... Đồng thời nhà báo tổ chức hiệp lực với nhiều tác giả, phân công nhiệm vụ đến các vị trí, cơ quan liên quan để phản ánh cùng thời điểm. 14 giờ 30 phút, bản tin đầu tiên phát sóng đã được đưa lên báo điện tử và liên tục phát hình trực tiếp kèm theo các kết nối hình, phỏng vấn của các bên liên quan được đăng tải.

Bản tin đã được phối  hợp chủ động và có sự hợp tác rất trách nhiệm với xã hội của người dân khi kết nối với nhà báo. Nhưng nếu thiếu tính xây dựng, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội của người dân về hoạt động truyền thông thì chắc chắn sẽ là một sự khủng hoảng mang tâm lý đám đông hiếu kỳ. Bản thân tác giả cũng đã từng nhận định: Nếu hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn theo sau mạng xã hội thì vẫn còn sự nhiễu loạn thông tin và khó tạo niềm tin cho công chúng.

Chúng ta đang sống trong một môi trường thông tin không giới hạn khi nền tảng công nghệ phát triển, vì vậy có mặt, có lĩnh vực, có sự kiện báo chí chính thống chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Đi sau mạng xã hội nguyên nhân không phải do đội ngũ nhà báo kém nhanh nhạy mà là do cơ chế quản lý và vận hành. Để phát huy tối đa nhiệt huyết và tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo thì cơ chế quản lý, vận hành báo chí cần phù hợp hơn với thời đại. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất với báo chí là điều các nhà báo, các cơ quan truyền thông luôn rất cần để ngăn chặn, đẩy lùi những suy diễn lệch lạc.