Chăm lo đời sống người có công

10:29, 25/07/2020

Là nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những năm qua, huyện Đại Từ luôn phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với Cách mạng, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ người có công về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế… giúp họ ngày càng có cuộc sống tốt hơn.

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có trên 15 nghìn người có công với cách mạng. Trong đó, có 102 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 600 thương binh, hơn 200 bệnh binh, hơn 1.500 liệt sỹ, gần 2.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, cùng với hơn 11.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Hiện nay, có 3.520 đối tượng người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Đình Sáng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Những năm qua, huyện Đại Từ luôn thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng thời tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Đảm bảo 100% đối tượng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác có liên quan, không để thiếu sót đối tượng.

Theo Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2 của tỉnh, Đại Từ là huyện có số lượng nhà xây mới và sửa chữa lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, lại là huyện dẫn đầu về tiến độ thực hiện. Trong ngôi mới xây, ông Nguyễn Văn Lợi, xóm Đầm Ghành, xã Mỹ Yên thể hiện rõ sự vui mừng: Nhờ số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng của Nhà nước, cùng với số tiền gia đình dành dụm được, tôi mới có điều kiện xây ngôi nhà mới khang trang.

Ông Lợi trước đây làm lính đặc công đóng quân tại Xuân Mai, Hòa Bình. Cả tuổi thanh xuân dành cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đến khi chiến tranh kết thúc, ông về công tác tại Trường Huấn luyện hạ sỹ quan thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Năm 1990, ông xuất ngũ về quê hương, tài sản duy nhất là tấm Huân chương Kháng chiến Hạng Ba. Điều kiện kinh tế khó khăn, cả gia đình vẫn phải ở trong ngôi nhà cấp bốn xây lâu năm đã xuống cấp cho đến khi được hỗ trợ xây nhà mới. Cùng với gia đình Lợi, đến nay, đã có 2.293 hộ trên địa bàn huyện được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22, với tổng kinh phí thực hiện là trên 60 tỷ đồng, trong đó: Số hộ xây mới là gần 600 hộ, số hộ sửa chữa là gần 1.700 hộ. Qua đó đã cải thiện điều kiện về nhà ở, kinh tế cho các hộ người có công, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.

Cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Đại Từ cũng tích cực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện đã phát động và thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực để chăm lo cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách. Bình quân hằng năm, huyện huy động được trên 400 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ chính sách trên địa bàn, đồng thời trợ cấp khó khăn, hỗ trợ học tập cho thân nhân người có công, tu bổ, sửa chữa bia mộ, nghĩa trang liệt sĩ…

Bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ, chính sách với người có công, hằng năm, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ và các ngày lễ lớn trong năm, hoặc khi người có công ốm đau, gia đình gặp khó khăn đột xuất... Những ngày này, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đều đẩy mạnh hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, liệt sĩ trên địa bàn.

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Đồng thời, phát động phong trào chăm sóc người có công, chăm lo ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu. Huyện Đại Từ phấn đấu đến hết năm 2020, 100% gia đình chính sách có công với cách mạng trên địa bàn có mức sống bằng và cao hơn so với mức sống chung của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.