Công nhân khu công nghiệp khó tìm nơi gửi trẻ

08:17, 17/07/2020

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN).Thế nhưng, trong khi các trường mầm non trên địa bàn đều đã quá tải thì trong các KCN lại chưa có trường, lớp mầm non dẫn đến nhiều công nhân gặp khó khăn trong việc tìm nơi gửi con em mình.

Anh Mai Văn Tiến, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên chia sẻ: Con tôi mới được 9 tháng tuổi nên các trường mầm non công lập chưa nhận trông giữ, nếu gửi ở trường tư thì mức học phí quá cao. Vì vậy, chúng tôi được bác chủ nhà trọ nhận trông con vào ban ngày, nhưng ban đêm hai vợ chồng phải tự xoay xở dù vẫn đi làm ca. Khi bác chủ bận việc, vợ chồng tôi phải thay nhau nghỉ làm hoặc đón mẹ tôi từ Thanh Hóa ra để trông cháu. Còn chị Nguyễn Thị Linh, quê ở Hà Giang, đang làm việc tại phường Cải Đan (T.P Sông Công) cho biết: Không tìm được nơi gửi trẻ, tôi đành phải gửi con về quê cho ông bà ngoại trông giúp.

Trên thực tế, mặc dù nhu cầu gửi con của công nhân hiện rất lớn, song tại các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chưa xây dựng được trường mầm non. Cùng với đó, rất ít các doanh nghiệp trong KCN có thể tự tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo để trông con cho công nhân làm việc tại đơn vị. Điều này không chỉ khiến công nhân khó tìm nơi gửi con mà còn tạo ra áp lực lớn đối với hệ thống các trường mầm non công lập ở xung quanh các KCN.

Theo bà Lê Na, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Sông Công: Thành phố hiện có 321 doanh nghiệp với trên 20 nghìn công nhân, tập trung chủ yếu ở các phường Mỏ Chè, Bách Quang và Cải Đan. Mặc dù đã tận dụng phòng thể chất, nghệ thuật hoặc học ghép phòng nhưng tại 3 phường trên hiện có 3/7 trường mầm non đang quá tải. Còn ông Nguyễn Danh Hoài, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phổ Yên thông tin: Cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập nằm trên địa bàn các xã, phường còn hạn chế nên tỷ lệ con công nhân đang gửi tại các trường mầm non trên địa bàn hiện chỉ chiếm 3,29%.

Để tháo gỡ khó khăn này, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung xã hội hóa giáo dục, trong đó có phát triển các nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục. Cụ thể T.P Sông Công hiện có 1 nhóm trẻ, 2 trường mầm non tư thục, T.X Phổ Yên có 6 nhóm trẻ, 1 lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có quy mô khoảng 70 trẻ/lớp). Các cơ sở này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu gửi con của công nhân. Sỡ dĩ, việc phát triển các cơ sở mầm non ngoài công lập đang phải nhiều khó khăn là do các địa phương, KCN chưa có quỹ đất sạch; ngoài ra chi phí đầu tư cho giáo dục lớn, khả năng thu hồi vốn lâu nên chưa thu hút được nhà đầu tư cho lĩnh vực này.

Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Ðể giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp, mà cần có sự tiếp sức từ phía Nhà nước trong việc hỗ trợ về kinh phí, đất đai, thuế, chính sách để phát triển các cơ sở mầm non ngoài công lập quanh các KCN. Bên cạnh đó, ở những nơi sử dụng nhiều lao động thì công đoàn cơ sở cần đề xuất với chủ doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động nữ đang nuôi con ở lứa tuổi mẫu giáo khi chưa thể tự tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại đơn vị của mình theo đúng quy định của Luật Lao động...