Dưới cái nắng như đổ lửa của những ngày đầu tháng bảy, vùng đất Na Mao và Phú Cường (Đại Từ) đã nóng càng thêm “nóng” khi người dân địa phương đang rất bức xúc vì phải sống chung với bụi bẩn; nhà cửa bị nứt; đất công trở thành nơi đổ thải. Nhiều hộ dân luôn thấp thỏm lo âu về nguy cơ vỡ moong, sạt lở bãi thải, đe dọa tính mạng và tài sản của mình bất cứ lúc nào. Bà con ở đây đều cho rằng “thủ phạm” gây ra tình trạng này là do hoạt động khai thác của mỏ than Minh Tiến - Na Mao (Công ty CP Yên Phước, có trụ sở tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng , Đại Từ).
Lộ diện sai phạm
Thấp thỏm lo âu là tâm lý chung của các hộ dân ở xóm Ao Soi, xã Na Mao khi nhà ở ngày càng xuất hiện thêm nhiều vết nứt. Khu vực núi Hồng là nơi người dân phát hiện có nhiều khe nứt và những hố sụt lún, có vết nứt rộng người chui lọt, dài hàng chục mét và ngày càng xé rộng, ăn sâu vào lòng núi. Tại thửa đất của hộ ông Hoàng Văn Kính, cũng ở xóm Ao Soi (nằm theo trục dọc thẳng phía dưới bãi đổ thải của doanh nghiệp) đã phát hiện vết nứt dài 40m, rộng 1m, sâu 2m.
Ông Âu Văn Lâm, một hộ dân có công trình nhà ở bị nứt ở xóm Ao Soi cho biết: Chúng tôi bắt đầu thấy các vết nứt trên tường nhà từ tháng 7-2019, đến tháng 9-2019 tiếp tục phát hiện các vết nứt đất trên sườn núi Hồng. Từ đó đến nay, các vết nứt xuất hiện nhiều hơn, rộng hơn. Cứ mỗi lần Công ty Yên Phước nổ mìn là đất đai, nhà cửa cả khu vực này lại chịu rung chấn mạnh. Thực tế này cũng đã được ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao xác nhận: Trên địa bàn xã hiện đang có 80 hộ dân bị nứt tường nhà và các công trình xây dựng.
Không chỉ bị nứt nhà, qua các đợt mưa lớn, đất bùn thải của Công ty còn vùi lấp ruộng của nhiều hộ dân và mương dẫn của xóm Ao Soi. Hoạt động khai thác và đổ thải của doanh nghiệp cũng khiến nguồn sinh thủy cạn kiệt; ảnh hưởng đến sản xuất của người dân ở xóm Ao Soi, xã Na Mao và xóm Chiềng, xã Phú Cường. Thêm vào đó, không khí nhiễm bụi cũng làm cho nhà cửa, cây cối, hoa màu của một số hộ dân thuộc hai xã trên phủ một màu đen của than. Đó là chưa kể, con đường thuộc địa phận xã Phú Cường, đoạn từ ngã ba đường tỉnh 264 đến trạm điện Na Mấn, xóm Chiềng đã bị hư hỏng do phải “cõng” những chiếc xe chở đầy than qua lại hằng ngày (dù đã được doanh nghiệp khắc phục nhưng nguy cơ xuống cấp vẫn xảy ra nếu tình trạng vận chuyển than còn tiếp diễn).
Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng của huyện đã đi kiểm tra và xác định Công ty đã sử dụng đất vượt chỉ giới được Nhà nước cho thuê hơn 87.000m2, trong đó có hơn 6.000m2 đất công của xã Phú Cường; hơn 17.000m2 đất rừng sản xuất và trên 14.000m2 đất chưa sử dụng của xã Na Mao; gần 50.000 m2 đất rừng sản xuất của người dân thuộc xã Na Mao. Ngoài ra, trong năm 2019, Công an xã Phú Cường đã phối hợp với Công an huyện giải quyết 1 vụ đánh nhau, 1 vụ đánh bạc trái phép ngay tại khu vực sản xuất của doanh nghiệp. Thực tế này dấy lên lo ngại trong nhân dân và chính quyền địa phương về tình hình mất an ninh trật tự ở mỏ than Minh Tiến - Na Mao.
Doanh nghiệp “nuốt” lời
Năm 2018, khi tình trạng sạt trượt bùn thải của Công ty làm ảnh hưởng đến đất canh tác của bà con xóm Ao Soi, đại diện của doanh nghiệp là ông Ngụy Phúc Mẩm (Ngụy Quang Thuyên) đã “hứa sống, hứa chết” với bà con và chính quyền nơi đây là sẽ nhanh chóng khôi phục, khơi thông dòng chảy của mương dẫn nước và hoàn thổ lại diện tích đất canh tác cho bà con. Tuy nhiên, gần 2 năm đã trôi qua doanh nghiệp mới chỉ khôi phục được một đoạn mương ngắn, còn lại gần 1km mương và khoảng 5ha ruộng đến nay vẫn ngập trong bùn thải, chưa có dấu hiệu của việc cải tạo.
Đáng nói là, sau nhiều lần làm việc, tại Kết luận biên bản làm việc ngày 27/2/2020 giữa UBND huyện Đại Từ, các phòng ban có liên quan, UBND xã Na Mao và Công ty CP Yên Phước, doanh nghiệp này đã cam kết thực hiện 8 phần việc liên quan đến việc đền bù thiệt hại cho người dân tại khu vực nứt đất, sạt lở đất, chịu trách nhiệm di dời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng tại khu vực chân bãi thải… Nhưng đến nay, vẫn còn nhiều phần việc Công ty chưa thực hiện. Cụ thể, chưa có văn bản cam kết trách nhiệm đối với việc nứt đất, nhà dân và di dời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng tại khu vực chân bãi thải, chưa thuê đơn vị tư vấn đánh giá nguy cơ sạt lở tại khu vực này, chưa thực hiện san lấp tại một số vị trí theo yêu cầu của UBND huyện, chưa xây dựng được phương án cũng như đưa ra dự kiến mức bồi thường cho nhân dân. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa hỗ trợ chi phí tạm cư cho 4 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ở chân bãi thải.
Chính quyền và người dân như “ngồi trên chảo lửa”
Khi tìm hiểu thực tế tại xã Na Mao, Phú Cường, UBND huyện Đại Từ, điều chúng tôi ấn tượng là biên bản làm việc, những bản báo cáo chi tiết của chính quyền từ cấp xã đến huyện đánh giá về mức độ ảnh hưởng do hoạt động khai thác của Công ty CP Yên Phước đã được chất thành chồng. Điều này cho thấy, các cấp, ngành chức năng của địa phương đã và đang rất quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than của Công ty.
Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng đến nay, những bức xúc của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng và chính quyền địa phương từ cấp xã đến huyện như “ngồi trên chảo lửa” bởi những nguy cơ đang rình rập. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao lo lắng: Hiện có 5 hộ dân phía dưới chân bãi thải của mỏ than cần di chuyển khẩn cấp theo diện tái định cư xen kẹp tại địa phương để tránh nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng trong mùa mưa bão năm nay.
Ông Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nói: Cao điểm mùa mưa bão đã đến. Chúng tôi rất lo lắng khi tình trạng sụt lún, nứt đất, nứt nhà của dân vẫn ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực khai thác lộ thiên của Công ty tại điểm H theo bản đồ thiết kế mỏ được cấp phép, qua một thời gian khai thác, đã khoét sâu vào lòng núi giống như một lòng chảo lớn, rộng khoảng 1ha trên đỉnh núi, có độ cao trên 300m so với nền nhà dân. Nếu gặp mưa lớn, đây sẽ trở thành hồ chứa nước lớn, xung quanh là bờ đất kết cấu ít bền chặt, khi lượng nước trong lòng moong dâng cao, các bờ đất này không thể chống đỡ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Với khối lượng nước, đất đá lớn như vậy mà ào xuống các khu dân cư ở phía dưới (thuộc xóm Ao Soi) thì hậu quả có lẽ sẽ nghiêm trọng hơn vụ sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ tại địa bàn xã Phục Linh năm 2012, vì nơi này, mật độ nhà ở, dân cư, đất sản xuất dày hơn rất nhiều.
Do vậy, mong muốn lớn nhất của các cấp chính quyền địa phương từ xã đến huyện lúc này là cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh về tình trạng sạt lở, nứt nhà cửa, sụt lún đất, sử dụng đất công và đất của cá nhân trái phép … ở Na Mao và Phú Cường. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của chủ mỏ trong quá trình hoạt động sản xuất có thực hiện đúng theo đánh giá tác động môi trường hay không?…