Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:23, 15/07/2020

Lộ trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được khởi động từ năm 2011, và kết thúc vào năm 2020. Trên hành trình 10 năm đã có gần 53.000 lao động nông thôn được tuyên truyền, tư vấn học nghề. Và đã có hơn 45.500 lao động nông thôn được tuyển sinh đào tạo, trong đó hơn 19.400 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp; hơn 27.300 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt có 3.677 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; 17.674 lao động là người dân tộc thiểu số; 2.332 trường hợp bị thu hồi đất; 1.003 trường hợp khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề.

Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Lao động (Sở Lao động - TBXH) cho biết: Trong tổng số lao động được đào tạo có gần 35.000 người được học sơ cấp nghề; hơn 10.600 người được học nghề dưới 3 tháng, với tổng số 113 nghề được đào tạo, trong đó 57 nghề phi nông nghiệp, 42 nghề nông nghiệp và 14 nghề đào tạo cho người khuyết tật. Tổng kinh phí cho cho đào tạo nghề đạt trên 211,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 151,7 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Việc tổ chức đào tạo, dạy nghề được căn cứ vào nhu cầu của lao động tại các khu vực nông thôn, căn cứ vào thị trường lao động. Nên hầu hết lao động tham gia các khóa học có việc làm mới, hoặc vẫn làm công việc cũ nhưng đạt mức thu nhập cao hơn.
 
Để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, ngay sau tiếp nhận Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, cấp tỉnh và cấp huyện đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo Đề án, giao cho ngành Lao động - TBXH là cơ quan Thường trực. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2010-2015; giai đoạn 2 từ 2016-2020. Giai đoạn 1 đào tạo 74 nghề, giai đoạn 2 tăng thêm 39 nghề. Hơn 400 giáo viên tại 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 5 trung tâm dạy nghề, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 20 cơ sở khác được huy động tham gia dạy nghề.
 
Nhiều mô hình dạy nghề được lao động nông thôn quan tâm, như: Kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Mô hình đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm chè tại xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên); thị trấn Hùng Sơn và xã La Bằng (Đại Từ). Mô hình đào tạo nghề May công nghiệp gắn với giải quyết việc làm của doanh nghiệp, như Công ty CP đào tạo TNG Thái Nguyên; Công ty TNHH May DG; Công ty TNHH Samsung Electronis đã tuyển sinh, đào tạo dạy nghề cho hơn 26.000 lao động. Nhiều lao động sau đào tạo được các công ty này tuyển dụng vào làm việc.
 
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã giúp cho các đối tượng chính sách như lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng ưu đãi người có công, lao động bị thu hồi đất và  mọi đối tượng lao động nông thôn có cơ hội được học nghề và cơ hội thay đổi cuộc sống. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TBXH, cả 2 giai đoạn thực hiện đào tạo nghề đã có hơn 35.600 lao động sau đào tạo có việc làm, trong đó hơn 14.400 người làm nghề nông nghiệp; gần 21.200 người làm nghề phi nông nghiệp, đạt 78%.
 
Đặc biệt có hơn 6.400 lao động nông thôn sau đào tạo được vay vốn hỗ trợ sản xuất; 739 hộ có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 2.134 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. Hơn 13.500 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động; 4.220 lao động nông thôn được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hơn 15.500 người tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất lao động tăng, thu nhập tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với trước đào tạo. Gần 2.300 người thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nhóm sản xuất.
 
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ông Dũng khẳng định: Nhiều gia đình khi có người tham gia học nghề, đã có việc làm với thu nhập ổn định hơn và đã vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát tại các vùng nông thôn, có 2.134 hộ có người được đào tạo nghề trở thành hộ đạt thu nhập từ khá trở lên.