Gia đình, nhà trường và xã hội luôn cần là nơi an toàn cho mọi trẻ em. Nhưng ẩn sau góc khuất xã hội vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột sức lao động. Nhằm hạn chế tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mọi người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trong 5 năm gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em (CSTE). Đã có 86 hội nghị tuyên truyền về công tác bảo vệ CSTE được tổ chức, với gần 6.200 lượt người tham dự; 200 đĩa CD; 7.000 cuốn Luật Trẻ em và Nghị định số 56/NĐ-CP; gần 4.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; gần 28.000 cuốn tạp chí Gia đình và trẻ em... được phát hành cho cán bộ chuyên môn, cộng tác viên và người dân. Cùng với đó là hàng trăm băng rôn, pa nô khổ lớn có nội dung về quyền trẻ em được cơ quan chức năng tổ chức căng treo tại khu vực đông dân cư, các tuyến đường có nhiều người qua lại
. Đặc biệt năm 2019, Ban Chỉ đạo công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh đã tổ chức Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Thông qua Diễn đàn, các em nhỏ được bày tỏ ý kiến của mình với các cơ quan, đơn vị chức năng Nhà nước về các vấn đề liên quan tới việc CSTE. Hằng năm, Sở chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” cấp tỉnh, thu hút hàng vạn lượt người tham gia/đợt.
Các cấp, ngành chủ động phối hợp, vào cuộc linh hoạt thông qua kết quả tuyên truyền. Điển hình như ngành Giáo dục - Đào tạo, 100% cán bộ, giáo viên và học sinh được tuyên truyền về Luật Trẻ em.
Ngành Công an phối hợp với địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại, bạo lực trẻ em.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức 4 hội thi về công tác gia đình; 4 lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho hơn 300 lượt người.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 30 diễn đàn với các chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, “Trẻ em nói về quyền trẻ em”, “Cha mẹ với công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và các tệ nạn xã hội”.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ và cộng tác viên của Hội về Luật Trẻ em; những vấn đề liên quan đến trẻ em ở địa phương; tuyên truyền về đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em tỉnh; hướng dẫn cán bộ cơ sở cách xử lý khi tiếp nhận thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.
Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh tổ chức trên 50 cuộc tuyên truyền về Luật trẻ em, phòng chống ma túy học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực, kỹ năng tự bảo vệ. Đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm tư vấn cho hơn 12.000 lượt trẻ em.
Từ đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức của các cấp, ngành và mọi người dân từng bước được nâng cao, nhất là với vùng có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Được tuyên truyền, nhiều phụ huynh không giáo dục con em mình bằng phương pháp bạo lực. Các bậc làm cha, mẹ đã biết lắng nghe trẻ em nói, xây dựng mái ấm gia đình trở thành nơi cho con trẻ cảm nhận được sự yên bình, hạnh phúc.