Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ đang khiến nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh lo lắng. Đáng báo động là hiện nay, xu hướng trẻ thừa cân ngày càng tăng. Dù chưa có đợt khảo sát chính thức nào của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh nhưng thực tế ở một số trường học, nhất là ở khu vực thành thị, trung bình, mỗi lớp học (khoảng 40 đến 50 em) có từ 3 đến 10 trẻ thừa cân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thừa cân, béo phì. Có những trường hợp, từ 5 tuổi trở xuống, trẻ vẫn phát triển bình thường nhưng do phụ huynh bổ sung cho trẻ chế độ dinh dưỡng không phù hợp đã khiến trẻ tăng cân mất kiểm soát. Cháu Tiết Giao Bảo, 14 tuổi, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Khi còn đang ở độ tuổi mẫu giáo, trọng lượng cơ thể của cháu đều nằm trong khung “chuẩn”. Tuy nhiên, năm 4 tuổi, sau một đợt ốm khá nặng (viêm phổi, phải điều trị tại bệnh viện), Bảo bị sút vài cân, nên khi cháu kết thúc điều trị đã “tẩm bổ quá đà”… Chỉ sau 1 năm, Bảo đã tăng gần chục cân. Đến nay, cao trên 1,6m nhưng Bảo đã nặng khoảng 75kg, đang thừa hơn chục cân.
Chị Lệ Thu Thúy, mẹ của Bảo cho hay: Lúc nhỏ, thấy con tăng cân, tôi mừng lắm! Nhưng khi học hết cấp 1, thấy con tăng cân “vù vù” tôi bắt đầu lo lắng. Sau đó, tôi “hãm”, cho con ăn ít cơm, ăn nhiều rau, củ, quả... để giảm cân. Nhưng chỉ được chục ngày là con rơi vào tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, “chiến dịch” giảm cân luôn thất bại. Tôi nhận ra rằng, nếu để trẻ tăng cân mất kiểm soát, việc giảm cân rất khó khăn và trẻ sẽ thừa cân đến tận lúc trưởng thành.
Đúng như chị Thúy chia sẻ, việc giúp trẻ tăng cân dễ hơn rất nhiều so với giảm cân. Việc cho trẻ ăn uống quá nhiều, nhất là thói quen cho trẻ ăn đồ ngọt, nước có gas, đồ ăn nhanh… sẽ khiến cho trẻ tăng cân mất kiểm soát. Trong khi đó, nhiều gia đình lại không khuyến khích con vận động thể lực, trẻ duy trì lối sóng tĩnh tại dẫn đến béo phì, thừa cân và có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám Bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Béo phì ở trẻ em được xác định khi cân nặng của trẻ cao hơn mức trung bình so với độ tuổi và chiều cao của trẻ từ 20% trở lên. Trẻ béo phì, thừa cân rất dễ mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, đái tháo đường týp 2, rối loạn nội tiết, rối loạn giấc ngủ và cơn ngừng thở...
Không chỉ có nguy cơ mắc các loại bệnh, béo phì còn khiến cho trẻ mất đi vóc dáng chuẩn, thường xuyên có cảm giác kém cỏi, ngại giao tiếp với bạn bè nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Cô giáo Lê Kim Cúc, Trường Tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) nói: Trẻ con rất vô tư, khi thấy bạn có thể trạng béo phì thường hay trêu đùa nên có lúc dẫn đến ẩu đả trong lớp học. Điều đó đồng nghĩa với việc những bạn có thể trạng thừa cân hay mang mặc cảm tự ti, học hành mất tập trung...
Để trẻ phát triển khỏe mạnh thì việc kiểm soát cân nặng của trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Thạc sĩ, bác sĩ Nhung cho rằng: Giảm cân ở trẻ tuy khó nhưng vẫn thực hiện được, quan trọng là các bậc phụ huynh phải kiên trì. Cụ thể, cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, đồ uống có gas; chế biến cho trẻ các món ăn hấp, luộc; bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt; hướng dẫn trẻ ăn chậm, nhai kỹ; uống nhiều nước… Đặc biệt, khuyến khích trẻ luyện tập thể thao hằng ngày, loại bỏ các thói quen xấu như chơi trò chơi điện tử, ăn vặt...