Hạnh phúc là được tri ân

15:09, 20/07/2020

Được chăm sóc mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND và những người có công với cách mạng, một hạnh phúc vô bờ, cũng đồng thời là vinh dự, trách nhiệm Đảng, Nhà nước trao gửi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh. Các anh chị đã gác lại mọi gập gợi riêng mình để gắn bó, tạo dựng nên những điều tốt đẹp nhất dành tri ân người có công với đất nước.

Kể từ ngày thành lập năm 2004 đến nay, Trung tâm đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt người có công đến điều dưỡng. Trong mỗi người đều gói ghém đầy vơi nỗi niềm riêng. Trước khi đến Trung tâm, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH rủ rỉ: Thái Nguyên cùng cả nước bền bỉ đi qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Vinh quang nhiều mà đau thương cũng lắm, hiện toàn tỉnh có hơn 21.000 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
 
Chiến tranh đã qua đi, hận thù khép lại, nhưng khi gặp những người có công đang nghỉ dưỡng ở Trung tâm, chúng tôi hiểu thấu hơn về nỗi đau mang tên chiến tranh. Có người mất đi một phần cơ thể, người mang mảnh đạn trong đầu, người bị chất độc hóa học gặm nhấm sức khỏe. Ai cũng có thể nhìn thấy đó là thương binh, là nạn nhân chất độc da cam. Nhưng ít ai nhìn thấy những phụ nữ bóng lẻ đêm dài, tần tảo một đời thờ chồng, nuôi con. Anh Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mỗi đợt Trung tâm đón tiếp từ 80 đến 100 đối tượng cùng ở một địa bàn huyện, thành phố, thị xã. Theo đó việc đưa đón, chăm sóc cho đối tượng thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Thi đấu cờ tướng, một hoạt động giải trí dành cho người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh.
 
Đành là “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng Trung tâm giống như ngôi nhà chung của những người được xã hội biết ơn, kính trọng, vinh danh. Và bằng linh cảm nghề nghiệp, anh chị em ở Trung tâm thấu hiểu tâm sự riêng, tính cách, sức khỏe của mỗi người để từ đó tìm ra “phác đồ” chăm sóc, phụng dưỡng đối tượng chu đáo nhất. Bởi các cụ đã phải hy sinh, mất mát quá nhiều, nên anh chị em làm việc tại Trung tâm động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn riêng, cùng tham gia phục vụ hết mình, với mong muốn không để người có công thêm một gợn buồn trong những ngày được điều dưỡng.
 
Ở Trung tâm, ngày làm việc được bắt đầu từ rất sớm. 24 con người - kể từ Giám đốc đến người lao động được chia thành nhóm nhỏ: Quét toàn bộ khu vực sân rộng hàng trăm mét vuông; đi chợ, nấu ăn… Để khi các cụ thức dậy, vươn vai tập thể dục xong là có bữa điểm tâm sáng.
 
Anh Hoàng Quang Huy, Phó trưởng Phòng hậu cần, Dinh dưỡng cho biết: Ngày 3 bữa ăn chính, bảo đảm bữa sau không lặp lại món của bữa trước. Chúng tôi ý thức được trọng trách của mình, nên động viên nhau làm việc hết sức, với suy nghĩ là làm như thế nào đó khi ngồi vào mâm cơm, các cụ cảm nhận được tình cảm đầm ấm, gần gũi và ăn hết khẩu phần... Bên bàn ăn, chúng tôi hỏi ông Trần Văn Sự, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Ông bảo: Tôi lần đầu vào điều dưỡng, mỗi ngày ở đây đều như Tết. Tôi hạnh phúc vì được các cháu quan tâm, gần gũi, thân thiện như ruột thịt. Còn ông Mạc Thanh Hải, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) bộc bạch: Chúng tôi được ở như khách sạn, được ăn ngon hơn ở nhà, được tham gia tập thể dục dưỡng sinh, tắm thuốc Bắc và được các cháu cho đi tham quan vãn cảnh.
 
Vâng! Đã mấy mươi năm chiến tranh vùi chôn vào quá khứ, nhưng các anh chị làm việc ở Trung tâm hằng ngày còn được chứng kiến bao nỗi đau mất mát qua từng câu chuyện nhỏ. Nỗi đau ấy cùng thời gian âm ỉ ngấm sâu vào tâm khảm, tạo thành dòng huyết nóng nuôi dưỡng những trái tim biết yêu thương, “dám” gác hạnh phúc riêng để đổi lấy nụ cười cho đối tượng được phục vụ. Chị Nhung, Trưởng phòng Hành chính Quản trị nhớ lại: Có lần vào bếp ăn, tôi thấy một người mẹ ngồi lặng lẽ, cầm đũa nhìn mâm cơm. Ngỡ thức ăn không phù hợp khẩu vị, tôi lại gần, vừa gặng hỏi thì mẹ òa lên, nức nở: Mẹ ăn làm sao đây khi các con không về... Cả khu nhà ăn bữa ấy im lặng. Chúng tôi thút thít khóc như những đứa trẻ. - Mẹ có 3 người con là liệt sĩ.
 
Cả gian phòng im lặng. Tôi nghe rõ tiếng thổn thức vì xúc động của những người có mặt. Chị Nguyễn Thị Thương Huyền, Trưởng Phòng Y tế của Sở lê tiếng như để xua tan không khí trầm buồn: Đối tượng vào Trung tâm đều tuổi cao, sức yếu. Nhiều cụ mệt mỏi do tăng, hạ đường huyết, bỏ bữa, chúng tôi lại cắt cử nhau chăm nom, nấu cháo hoặc chế biến món ăn riêng phù hợp với khẩu vị, mang đến phòng thủ thỉ: Mẹ ơi, bố ơi, gắng ăn một chút kẻo ngã bệnh. Không nề hà, câu nệ, tối đến anh chị em đi thăm nom từng phòng, giúp các cụ trải ga đệm, mắc màn. Cũng có cụ ở vùng sâu, vùng xa khi vào Trung tâm điều dưỡng, nhìn phòng ở cái gì cũng lạ, hỏi: Bố có ốm đâu mà các con dùng ga trải giường màu trắng? Bố muốn đi vệ sinh nhưng không biết chỗ?... Bởi phòng ở khép kín, các thiết bị trong phòng trắng sạch, dụng cụ chưa bao giờ nhìn thấy nên lo rằng lỡ tay làm vỡ.
 
Đến nhà hội trường đa năng, tôi gặp các đối tượng đang gầm ghì từng nước cờ. Không phải để giết thời gian, mà các “kỳ phùng địch thủ” tập trung tham gia thi đấu cờ tướng. Được biết: Các môn chơi thể thao như: cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền hơi… do Trung tâm tổ chức theo nhu cầu của đối tượng về điều dưỡng. Mỗi đợt, Trung tâm lựa chọn ra các vận động viên xuất sắc để trao giải, tặng quà vào buổi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cho toàn đợt…
 
Nhìn từng khuôn mặt đăm chiêu, phúc hậu rồi bất chợt nở nụ cười tươi của các cụ, tôi cảm nhận được một hạnh phúc rất đỗi tự nhiên ùa về. Tôi buột miệng nói với anh Kiên và các anh chị em làm việc tại Trung tâm: Đời người, có hạnh phúc nào lớn hơn là được phục vụ những người có công với cách mạng. Anh Kiên cũng mỉm cười, phóng mắt nhìn về phía xa xăm. Tôi hướng mắt trông theo, thấy trên mặt hồ có bao gợn sóng, lớp sau chồng lên lớp trước, lòng đằm nặng một nỗi niềm tri ân.