Những kiến nghị từ cơ sở

17:54, 07/07/2020

Trước thềm kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2019 chính thức khai mạc, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có dịp ghi lại một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, giải quyết.

Thêm chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi tái đàn  

Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Phú Bình đã giảm mạnh quy mô hoặc hoạt động cầm chừng, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì hầu hết không tái đàn. Mặc dù thời gian qua, huyện Phú Bình đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, không để dịch bệnh tái phát; hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học, nhưng đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện chỉ còn ở mức 100-120 nghìn con (bằng 70-80% chỉ tiêu kế hoạch). Hiện nay, giá lợn giống rất cao, từ 3-3,5 triệu đồng/con (gấp 3 lần so với mức thông thường) nên việc tái đàn càng trở nên khó khăn. Để ổn định thị trường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các hộ chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, các ngân hàng tiếp tục có thêm chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho người chăn nuôi. Ngành chức năng xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…

Cần sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, Giám đốc Công ty CP Thép Việt Cường: Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tôi mong, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho DN như: Tạo thuận lợi tối đa về thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó có đăng ký giao dịch bảo đảm (thế chấp); giảm các loại phí liên quan đến đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất, giúp việc vay vốn ngân hàng của DN thuận lợi; quyết liệt ngăn chặn “cơ chế ngoài” nhằm giảm tối đa chi phí không chính thức cho DN; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; tạm hoãn tất cả các cuộc thanh, kiểm tra chưa cần thiết và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020. Cùng với đó, tỉnh cũng cần quan tâm và tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư để đón làn sóng DN dịch chuyển từ một số nước về Thái Nguyên…

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai

Bà Phạm Thị Hoài, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên): Công tác dự báo thời tiết có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chính quyền cũng như người dân chủ động các biện pháp phòng tránh; góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Thời gian qua, mặc dù chất lượng dự báo đã có sự cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vẫn còn một số bản tin chưa sát với tình hình thực tế. Qua theo dõi, tôi nhận thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 5 bản tin cảnh báo mưa dông nhưng trên địa bàn lại không hề có mưa. Ngoài ra, có những hiện tượng thời tiết nguy hiểm còn dự báo, cảnh báo sai, hoặc chưa cảnh báo được. Tôi mong muốn trong thời gian tới, công tác cảnh báo, dự báo thiên tai cần đảm bảo kịp thời, chính xác hơn để bà con chúng tôi chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, tránh thiệt hại về người và của.

Vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

Ông Nguyễn Văn Thịnh, xóm Ấm, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên): Thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, qua đó đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết giảm tối đa thời gian và chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa, nhất là cấp xã chưa tận tình hướng dẫn người dân. Bản thân tôi từng đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do không được hướng dẫn hết các loại giấy tờ nên khi nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Thị xã thì bị trả về. Sau đó, tôi phải mất thêm 2-3 lần đi lại mới hoàn chỉnh được hồ sơ. Tôi đề nghị, chỉ nên bố trí những người có đủ năng lực, trình độ và lòng nhiệt tình ở bộ phận này, để tránh tình trạng nhũng nhiễu hoặc làm mất thời gian, công sức của người dân.

Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng đua xe trái phép

Ông Trương Văn Chung, tổ 15, Phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên): Thời gian gần đây, trên địa bàn T.P Thái Nguyên thường xuất hiện một số nhóm thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe máy thành từng đoàn và chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh vóng, bốc đầu… trên một số tuyến đường, như: Hoàng Văn Thụ, Việt Bắc, Cách mạng Tháng Tám, Hùng Vương… Không những vậy, những nhóm thanh, thiếu niên này còn nẹt pô, rú ga ầm ĩ, bấm còi inh ỏi gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông. Theo tôi được biết, từ đầu năm đến nay, nhóm đối tượng này đã gây ra ít nhất 3 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 1 vụ gây chết người xảy ra vào đầu tháng 3 trên đường Việt Bắc. Tình trạng này khiến người dân chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng mỗi khi ra đường, nhất là vào buổi tối. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Quan tâm giải quyết kiến nghị của cơ sở

Ông Nguyễn Đức Khánh, tổ 6, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên): Qua theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi nhận thấy, vấn đề giải quyết  ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cấp, ngành ngày càng quan tâm. Điều này thể hiện qua báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những kiến nghị chưa được quan tâm giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, để kéo dài.  Đơn cử, tại tổ 6, phường Quang Vinh, một số dự án triển khai chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, chúng tôi nhiều lần đề đạt nguyện vọng này nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tôi mong HĐND tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.