Phấn đấu giảm sinh để đạt và duy trì mức sinh thay thế là mục tiêu của các tỉnh có mức sinh cao nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Thái Nguyên cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để có thể giảm sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trong công tác dân số của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Đây là một trong những nhiệm vụ của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Nghị quyết số 21 NQ/TW đã xác định 8 mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ nhất là "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người" và "Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế…".
Hiện nay, Thái Nguyên đang là 1 trong 33 tỉnh, thành phố nằm ở nhóm các tỉnh thuộc vùng có mức sinh cao trên toàn quốc. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh của tỉnh trung bình trong 5 năm gần đây (từ năm 2015 đến 2019) là 2,25; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lênngày càng có xu hướng tăng; tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2019 ở mức cao là 115,0 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống.
Do vậy, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 588/QĐ-TTg, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong công tác dân số của tỉnh, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 thì việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 của tỉnh là rất cần thiết. Qua đó, giúp tỉnh đánh giá được thực trạng, nguyên nhân mức sinh còn cao ở các địa phương, cũng như đề ra được các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Trong đó, công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con, đặc biệt tập trung vào vận động các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con với khẩu hiệu vận động là "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình không sinh con thứ ba trở lên; tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình...
Khi thực hiện thành công các giải pháp này, Thái Nguyên có thể sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đáp ứng theo sự phát triển chung của cả nước…