Tăng cường phòng, chống mua bán người

17:19, 12/07/2020

Sau gần năm bị bán sang Trung Quốc, bà Đặng Thị Minh và con gái là Đặng Thị Lý, xóm Thống Hạ, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) đã tìm được đường về đoàn tụ cùng gia đình, họ mạc. Ngày đoàn viên đầy hờn tủi vò xé tâm can. Một người là mẹ, một người là con bất đắc dĩ phải làm vợ cho những người xa lạ. - Khổ lắm, cơ cự lắm! - Bà Minh, chị Lý nói với tôi rồi vội lau nước mắt.

Dù câu chuyện giữa tôi với 2 người đàn bà bất hạnh là mẹ con ruột cách nay hơn 5 năm, nhưng ám ảnh, day dứt vẫn còn vì đối tượng buôn bán là người thân thiết, lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi bất nhân tính. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - TBXH) chia sẻ: Tình hình tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn dụ dỗ, hứa tìm giúp việc làm có thu nhập cao, đi buôn bán, thậm chí là giả vờ yêu để lừa gạt nạn nhân. Qua nghiên cứu hoàn cảnh của một số nạn nhân được cảnh sát Trung quốc giải cứu trả về, chúng tôi thấy nổi cộm nhất vẫn là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nạn nhân có nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng tự bảo vệ và là người có thu nhập thấp. Để chấm dứt tình trạng này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: 5 năm gần đây, Chi cục chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức được 45 lớp tập huấn cho gần 3.000 lượt người về nâng cao năng lực thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức 76 hội nghị tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho gần 7.000 lượt người. Vào Ngày Toàn dân Phòng, chống mua bán người (30-7) hằng năm, Chi cục phổi hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người; tổ chức diễu hành tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính của các huyện, thành phố và thị xã...

Hội LHPN là một trong những đơn vị vào cuộc tích cực. 5 năm gần đây, Hội đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho gần 2.000 lượt cán bộ, hội viên về công tác phòng, chống mua bán người. Cùng đó là nhiều các hội thảo truyền thông kết nối mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán cho hàng chục nghìn lượt người. Đặc biệt, Hội đã triển khai thực hiện Dự án “Phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân” do Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng, chống mua bán người tài trợ; các cấp hội đã hỗ trợ, giúp đỡ 83 người bị ảnh hưởng, người có nguy cơ cao bị mua bán thông qua hỗ trợ cho vay vốn với tổng vốn 370 triệu đồng để ổn định cuộc sống; 12 trường hợp được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế với số tiền gần 7 triệu đồng và có 66 trường hợp được đào tạo nghề.

Việc phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh được tăng cường cả về khâu truyên truyền, và kinh phí hỗ trợ, cùng với đó, tỉnh có Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội luôn mở cửa đón tiếp nạn nhân bị mua bán trở về có nguyện vọng. 

Được trở về đoàn viên cùng gia đình, người thân luôn là một may mắn và hạnh phúc lớn. Các cấp, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống mua bán người để mọi người dân, nhất là với phụ nữ, trẻ em nông thôn, miền núi, ở vùng sâu, vùng xa có đầy đủ thông tin, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử, tự bảo vệ để không trở thành nạn nhân...