“Miền quê đáng sống”, khái niệm ấy tôi nghe đã từ rất lâu nhưng vẫn thấy thật mơ hồ trong suy nghĩ. Tôi luôn mong mỏi tìm cho ra một miền quê như thế. Công việc cho tôi cơ hội được đến và trải nghiệm ở rất nhiều nơi và khi đặt chân đến xóm Phú Hội, xã Sơn Phú (Định Hóa) thì ở đây đã cho tôi cảm giác thực sự về một miền quê đáng sống.
Nghe nói về nơi này đã lâu, tôi quyết định sẽ tự trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi đến Phú Hội khi cái gắt rát của ngày hè vừa dịu bớt, mặt trời như chiếc đèn lồng khổng lồ treo lơ lửng trên đồi chè xanh mơn mởn làm nổi bật hai mảng màu tươi sáng. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nhà nào cũng mở cửa dù người lớn đều đi vắng cả, trong nhà có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ngoài sân các loại phương tiện chìa còn cắm nguyên trong ổ khóa…
Nghe có tiếng chuyện trò, nói cười rôm rả, tôi đi theo, xuôi về phía gần nhà văn hóa xóm, rất đông các cô, các chị đang phát dọn cỏ và cắt tỉa hàng hoa 2 bên đường. Hóa ra đây là buổi lao động mỗi tháng 1 lần của chi hội phụ nữ xóm. Xen trong dáng eo thon của các chị là dáng vạm vỡ của vài người đàn ông đang lom khom dãy cỏ. Đó là các anh đi làm thay vợ khi vợ bận. Ở đây không có gia đình nào lấy lý do bận mà không tham gia lao động tập thể.
- Mọi người tự giác như vậy sao phải chấm công làm gì? -Tôi thắc mắc khi thấy một chị tay cầm tờ giấy và chiếc bút vừa ghi chép vừa điểm danh. Nghe tôi hỏi, mọi người được trận cười như nắc nẻ, một cô nhìn vẻ ngơ ngác của tôi bảo: Không phải điểm danh làm đâu, điểm danh ăn đấy. Chúng tôi không cần đợi đến ngày lễ, tết mới liên hoan mà cứ có dịp tập trung là “oánh chén”. Đang điểm danh xem nhà nào mấy suất để chuẩn bị đồ ăn đấy. Thì ra là thế, chẳng mấy chốc tôi thấy tờ giấy ghi danh sách của các chị đã sang mặt thứ 2, rồi thứ 3. “Tối nay ăn ở nhà nào nhỉ?”, giọng ai đó vang lên, nhiều tiếng gọi mời về nhà em, nhà cháu…
Tôi đi bộ về phía ao làng, nơi mà mấy năm trước, có dịp đến đây tôi đã được chứng kiến ngày hội làng với trò chơi bắt vịt. Khoảng 5 con vịt được thả xuống ao. Các thanh niên, trai tráng bơi giỏi nhất làng được chia làm nhiều đội cùng bắt vịt, đội nào bơi nhanh, bắt được nhiều vịt sẽ chiến thắng. Cạnh ao làng là sân nhà văn hóa. Một cây chuối to, cao được trồng chắc chắn, trên ngọn gắn một chùm bóng bay. Đám trẻ thi nhau trèo lên cây chuối để lấy bóng. Mỗi quả bóng được lấy xuống phần thưởng là một nắm kẹo. Chơi trò trèo cây chuối xong, đám nhỏ lại hào hứng với trò chơi bắt lợn. Một con lợn nhỏ xíu được thả trong một cái ô được quây kín xung quanh. Một bé bị bịt mắt bằng một dải lụa đỏ, những đứa trẻ còn lại tùy hứng di tản vỗ tay, trêu đùa hoặc trợ giúp. Người lớn vây bốn xung quanh cổ vũ, reo hò…
Ao làng giờ vẫn ăm ắp nước trong xanh. Đang mê mải trong dòng hồi tưởng, tôi gặp lại anh Đặng Ngọc Hà, công an viên xóm nay là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Hội. Anh vừa đi thăm nương chè về. Hỏi chuyện, anh vui vẻ thông tin: - Xóm mình giờ sáp nhập đông vui hơn nhưng nếp làng vẫn vậy (xóm Phú Hội được thành lập từ 2 xóm Phú Hội 1 và Phú Hội 2). Trước đây tuy là 2 xóm nhưng thực chất cũng như một vì mọi người vẫn sinh hoạt chung. Dù là xưa hay nay xóm vẫn nói không với tệ nạn xã hội, bà con đoàn kết yêu thương nhau. Xóm giờ không chỉ có một tổ hợp tác làm chè an toàn như trước nữa mà đã thành lập hẳn 1 làng nghề và 2 hợp tác xã. Chuyện chè có giá vài ba chục nghìn/kg đã “xưa như trái đất”, chè ngon bà con đang bán với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/kg.
Sự đổi thay ở Phú Hội trong vài năm trở lại đây thật đáng tự hào. Cả xóm có 27ha chè kinh doanh thì cả 27ha đều là chè cành. Xóm có 72 nóc nhà nhưng có tới vài chục vườn ươm cây giống. Riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội do anh Hà làm giám đốc mỗi năm đã xuất bán hàng vạn cây giống đi các tỉnh. Mỗi tháng tiêu thụ được 3 tấn chè tươi. Vùng nguyên liệu 7ha của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Tôi bày tỏ sự khâm phục trước những bước chuyển nhanh nhạy của anh và các thành viên HTX. Anh Hà cười khiêm nhường: - Tôi tuy lớn tuổi hơn nhưng còn phải học hỏi nhiều, thành tựu cũng chưa có gì. Có khen thì phải khen vợ chồng cô chú Tuân - Nguyệt, chủ HTX Phú Đạt.
- Anh chị Tuân - Nguyệt, người có nhiều vườn ươm cây giống nhất xóm phải không ạ?
- Đúng là cô chú ấy, mà tôi vừa gặp chú Tuân trong vườn ươm, chị có muốn qua đó xem không?
Vậy là chỉ khoảng 5 phút sau, anh Hà và tôi đã có mặt tại vườn ươm của gia đình anh Tuân. Anh Tuân đang hướng dẫn cho 2 thợ làm vườn kiểm tra bầu chè giống. Chỉ vào 2 người thợ làm vườn, anh Hà rỉ tai tôi: “cán bộ trong biên chế” của vườn ươm nhà Tuân đấy. Đó là anh Trần Văn Phương và Tống Văn Hưng, đảm nhiệm việc chăm sóc vườn ươm, mức lương cố định của 2 anh là 70 triệu đồng/người/năm. Riêng anh Phương, nhận thêm 5 triệu đồng/năm giống như “phụ cấp trách nhiệm”. Chia sẻ về công việc của mình anh Phương tươi rói: Trước đây tôi cũng bôn ba Nam, Bắc. Nghe đâu có việc là đi nhưng cuộc sống bấp bênh. Mấy năm nay về làm vườn ươm cho vợ chồng anh Tuân, trưa tối vẫn được về ăn cơm nhà, quây quần với gia đình, tôi cũng không mong gì hơn.
Ao nuôi cá trắm rộng hơn 1 mẫu của vợ chồng anh chị Tuân - Nguyệt. Hiện cá dưới ao có trọng lượng bình quân 4-4,5kg/con.
Vào vụ đảo bầu hoặc xuất bán cây giống, vườn ươm có vài ba chục nhân công làm việc mỗi ngày, với mức thu nhập bình quân từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Người thạo việc mức thu dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày. Đang dở câu chuyện anh Tuân cười, giám đốc nhà tớ đã về. Chị Nguyễn Thị Nguyệt vừa xong việc phát dọn đường với chị em trong chi hội Phụ nữ. Buông cuốc trên vai xuống, chị xách xô thức ăn mang ra ao chăn cá. Anh Tuân đỡ xô cám từ tay vợ, đùa: Giám đốc để em.
Chị Nguyệt quay sang phân trần với chúng tôi: -Thành lập HTX Phú Đạt, anh Tuân để tôi đứng tên Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị nên cứ hay trêu thế. Nói về hoạt động của HTX chị chia sẻ: HTX có 9 thành viên. Diện tích chè của các thành viên chỉ có 5ha, nhưng HTX đã liên kết để bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề Phú Hội, Sơn Thắng và Vũ Quý với tổng diện tích 30ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 500 vạn cây giống chè cho nhiều tỉnh trong cả nước. Kế hoạch phát triển sắp tới của HTX Phú Đạt đó là vào đầu tháng 8 tới, sẽ triển khai xây dựng nhà xưởng chế biến chè hiện đại và cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm trị giá 3,5 tỷ đồng. Còn đối với gia đình chị, ngoài 5 vườn ươm chè giống, đang đầu tư thêm nuôi trồng thủy sản.
Nhà chỉ có 2 nhân lực (2 con của chị Nguyệt và anh Tuân đều còn nhỏ) sao anh chị có thể làm nhiều việc đến vậy! Tôi thốt lên. Chị Nguyệt cười hiền: Vợ chồng tôi cũng là cố gắng nhưng so với nhiều người trong xóm vẫn phải học tập nhiều. Vẫn phải nhờ các chú, các anh, chị trong xóm chỉ bảo, hướng dẫn thêm.
Trong lòng tôi bỗng cảm thấy ấm áp lạ thường. Tôi đi từ đầu làng đến cuối ngõ, gặp những người được cho là có thành tựu nhưng tuyệt nhiên chưa nghe một câu nào họ tự khen mình. Khi tôi tỏ ý thán phục, thì họ đều hướng sự thán phục ấy tới những người hàng xóm của mình. Đoàn kết, khiêm nhường, siêng năng, yêu thương và chia sẻ… có lẽ là yếu tố cốt lõi để làm nên một Phú Hội dù phát triển vẫn thấm đẫm nét làng hôm nay.