Cho trẻ em nụ cười trọn vẹn

10:06, 04/08/2020

Thái Nguyên được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh, thành của cả nước thực hiện tốt quyền trẻ em. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã tăng cường nhiều nguồn lực cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tạo thuận lợi cho mọi trẻ em, nhất là trẻ em nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục và bị bạo lực.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - TBXH) cho biết: Trong 5 năm trở lại đây (2016-2020), nguồn kinh phí để triển khai các nội dung của Chương trình được lồng ghép trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt gần 18,5 đồng, trong đó nguồn Trung ương cấp là gần 5,4 đồng; tỉnh cấp 6,3 tỷ đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em và huy động từ các tổ chức quốc tế 6,8 tỷ đồng. Theo đó, bình quân hằng năm, Thái Nguyên có 3,7 tỷ đồng dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài các nguồn này, trong thời gian 2016-2019, mỗi năm, tỉnh cấp thêm 5,6 tỷ đồng để hỗ trợ thù lao cho 3.100 cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, với mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/tháng.
 
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - TBXH - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ về y tế, giáo dục, tư pháp cho trẻ em trên địa bàn. Theo đó, Ban bảo vệ trẻ em các cấp còn thành lập thêm nhóm thường trực bảo vệ trẻ em để giúp xử lý, giải quyết các trường hợp xâm hại, bạo lực trẻ em. Trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em và Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, tỉnh Thái Nguyên đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung ương thông qua việc tập huấn điều tra, rà soát, thu thập thông tin về trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp tỉnh. Thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát và hỗ trợ địa phương triển khai thí điểm mô hình quản lý trẻ em trên phần mềm tại T.P Sông Công; mô hình Kết nối dịch vụ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Đại Từ và Định Hóa.
 
5 năm qua, Sở đã tổ chức 28 lớp tập huấn vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em cho gần 2.000 lượt cán bộ cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên. Đồng thời tổ chức gần 90 lớp tập huấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Luật trẻ em; phương pháp lập báo cáo thống kê; các dấu hiệu nhận biết trẻ em bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và biện pháp can thiệp; thay đổi hành vi, cung cấp kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em với hơn 6.200 lượt cán bộ làm công tác trẻ em các cấp và cộng tác viên.
 
Đặc biệt, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để thiết lập mạng lưới kết nối, thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em liên cấp, liên ngành. Trung tâm cũng đã tổ chức 42 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên về kỹ năng làm việc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; thiết lập mạng lưới kết nối, tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bị bỏ rơi hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ rơi; hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin và thực hiện hỗ trợ trẻ em bị xâm hại. Cùng với đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh đã tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích cho 314 vụ việc có đối tượng là trẻ em, người chưa thành niên.
 
Thông qua Sở và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, trong thời gian 5 năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, tặng quà và học bổng; hàng trăm trẻ em được mổ tim miễn phí, phẫu thuật mắt, hệ vận động, sứt môi, hở hàm ếch. Hàng nghìn lượt trẻ em được hỗ trợ phục hồi chức năng và được hỗ trợ đột xuất để chữa bệnh bệnh hiểm nghèo. Hàng nghìn lượt trẻ em được hỗ trợ gạo, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập và trao tặng sổ tiết kiệm. Nhiều trường hợp trẻ em bị mất môi trường nuôi dưỡng được chính quyền địa phương đưa vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Toàn tỉnh hiện có 90,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi…