Xưa vườn chè cổ, nay đồi bạch đàn
Anh Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết tại xóm Guộc và xóm Nam Sơn, nơi xưa kia là đồn điền trồng chè của cụ Đội Năm, nói cách khác, các xóm từng là đất tổ của chè Tân Cương, giờ còn quá ít hộ làm chè. Lý do là thanh niên trong lứa tuổi lao động đều đi làm cho các công ty, doanh nghiệp chứ không muốn ở nhà làm nông nghiệp. Nhiều vườn chè trung du giờ đang bị bỏ hoang hoặc trồng cây bạch đàn để đỡ công chăm sóc.
Chúng tôi đã đến xóm Nam Sơn, tìm gặp bác Nguyễn Duy Tiên (69 tuổi), Bí thư Chi bộ xóm. Bác Tiên khẳng định rằng, đến đầu những năm 2000, xóm vẫn còn những cây chè cổ từ thời đồn điền, cây nào cây nấy gốc to bằng bắp đùi, tán bằng cái nia. Dân xóm Nam Sơn làm chè từ thời cụ Đội Năm, rồi đến thời hợp tác xã chè sau này. Cây chè trung du trồng hạt có tuổi thọ cao do rễ cọc cắm sâu xuống lòng đất hàng mét để hút chất dinh dưỡng. Chè trung du xưa nay nổi tiếng hương thơm, nước xanh, vị đậm đà ngọt hậu mà các loại chè cao sản sau này khó có thể bằng được. Lớp người có tuổi trong xóm đều mong muốn khôi phục vườn chè, nhưng các gia đình con cái đều đi công tác hết nên đành lực bất tòng tâm.
Bác Tiên đưa chúng tôi đi thăm vị trí vườn chè cụ Đội Năm xưa kia, theo như dân làng kể, họ được chia thời kỳ khoán sản thời kỳ những năm 1980, vườn chè cổ vẫn tươi tốt, tiếp tục cho khai thác. Sau này, chè cành bán được giá hơn, người dân đã đốn bỏ nhiều diện tích chè cổ để trồng chè cành. Những năm gần đây, nhiều hộ làm chè tại các xóm khác của Tân Cương đầu tư bài bản vào làm chè chất lượng cao, đồng thời với xây dựng thương hiệu, dẫn đến chè xóm Nam Sơn càng "yếu thế" do người dân ít quan tâm chăm sóc.
Thời điểm này, giá chè búp khô trung du tại xóm Hồng Thái 2 lên tới trên dưới 1 triệu đồng/kg; chè búp thường cũng có giá trên 250 nghìn đồng, thì chè trung du ngon nhất của Nam Sơn cũng chỉ bán được 150 nghìn đồng.
Bác Tiên buồn rầu nói: - Cả xóm chỉ còn vài hộ còn rang chè, hầu hết bán búp tươi giá thấp hoặc bỏ hẳn không thu hái.
Bác Tiên vẫn làm một ít "chè ta", khoảng 200m2, mỗi lứa sao khô được gần 3kg, chỉ đủ để nhà dùng và biếu người thân. Còn đồi chè hơn 2,5 sào, như bác nói, đồi ấy chất đất hợp chè, chè tốt lắm nhưng các nhà xung quanh trồng keo, bạch đàn, xoan hoặc các loại cây ăn quả, dụ sâu bọ về phá chè ghê lắm, với lại nhà cũng không có người làm nên cũng đành trồng keo.
Bác Tiên nói bằng giọng đầy nuối tiếc: - Xóm bây giờ toàn ông bà già, thanh niên hơn 100 cháu đi làm ăn, tuy không "ly hương" thì cũng "ly nông". Trồng keo cốt để giữ đất cho cỏ dại khỏi mọc, chứ thu nhập có ăn thua gì đâu, 1 sào keo 5 năm trời mới bán được 5 triệu đồng. Cái đất hợp với cây chè thế này mà đành bỏ phí, giá như có doanh nghiệp thuê đất của dân để khôi phục nghề trồng chè bà con đều sẵn sàng.
Đến Nam Sơn bây giờ, nhìn đâu cũng thấy đồi cây rậm rạp, quang cảnh như thế chỉ có ở những thôn bản vùng cao miền núi, khó có thể tin rằng đây chính là nơi trồng những cây chè Tân Cương đầu tiên, càng khó tin được, đất này đã cả thế kỷ nay gắn bó với cây chè, đang thuộc vùng chè danh tiếng lẫy lừng cả trong nước và trên thế giới.
Nhà tiền tỷ bỏ không
Xóm Bến, xã Đắc Sơn, Thị xã Phổ Yên có hàng trăm thanh niên ly nông đồng thời ly hương. Bác Lê Doãn Hợp, 56 tuổi có 5 người con gồm 2 con trai và 3 con gái, hiện đều đi làm công nhân tại các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài.
Bác Hợp chia sẻ, gia đình bác hiện có 7 sào lúa, 6 sào vườn trồng cây ăn quả. Tuy một mình bác là lao động chính nhưng vẫn đảm bảo cấy lúa 2 vụ, đủ thóc ăn và chăn nuôi lợn, gà.
Các con của bác Hợp học xong phổ thông đều được nhận làm tại công ty Yamaha Hà Nội và công ty Toyota Vĩnh Phúc. Con em trong xóm cũng đều đi làm công ty hết vì rất dễ xin việc, nếu có bằng cấp thì làm việc nhàn lương cao, không có bằng cấp thì vẫn được đào tạo công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Nhiều năm nay, thị trường lao động rất dễ dàng, thậm chí ở tuổi trung niên, không có bằng cấp thì vẫn được tuyển dụng làm tạp vụ thời vụ cho các công ty, vì thế mà những người trong độ tuổi lao động đua nhau thoát ly, trong xóm chỉ còn người già và trẻ nhỏ.
Chỉ sang ngôi biệt thự to đẹp được xây dựng theo thiết kế hiện đại, bác Hợp cho biết đó là nhà của anh Lê Doãn Chương, con trai thứ 2 của bác. Ngôi nhà xây năm 2012, chi phí xây dựng gần 1 tỷ đồng, nhưng do vợ chồng anh Chương đều đi làm ăn xa nên cứ khóa cửa bỏ đấy cả năm không có người ở. May mà có bố mẹ ở gần trông nom giúp.
Ngôi nhà tiền tỷ không có người ở do chủ hộ đi làm ăn xa.
Nhưng tính toán thẳng thắn thì làm ruộng chỉ có lỗ, như 7 sào lúa nhà bác nếu chăm sóc tốt thì nửa năm mới được hơn tấn lúa, tương tương khoảng 7 triệu đồng, còn như không chăm tốt hoặc thời tiết không thuận thì không được. Trong khi, lương công nhân từ 8 triệu đến 12 triệu đồng/tháng, có ăn uống tiêu pha thì vẫn thừa mua 1 tấn thóc. Các con bác thương cha mẹ vất vả, làm ruộng cũng không hiệu quả kinh tế nên đã nhiều lần khuyên bác thôi không cấy hái nữa.
Song, trong tâm tư của một lão nông cả đời gắn bó với ruộng đồng, nói gì thì nói, ruộng đất không thể bỏ, vả lại bây giờ sản xuất nông nghiệp có máy móc phục vụ nên thuê mướn rất đơn giản. Bác Hợp tâm sự rằng, ăn hạt thóc mình làm ra vẫn thấy yên tâm hơn hẳn, nó không chỉ ăn để cho no, mà còn quý giá vì do mồ hôi công sức mình bỏ ra. Mỗi vụ gặt, nhìn từng bao thóc chất trong nhà, vẫn có cảm giác tự hào mình còn làm được, còn đóng góp được cho xã hội, vừa đầy đủ cho nhu cầu của gia đình mình, vừa đảm bảo được an ninh lương thực của địa phương.
Tuy là lực lượng lao động chính đi thoát ly hầu hết nhưng không một tấc đất nào bị bỏ hoang hóa, ngược lại, từ tiền lương của các cháu gửi về giúp bố mẹ, các gia đình đều thuê mướn máy mọc, nhân công để đảm bảo sản xuất, thậm chí còn có điều kiện làm tốt hơn trước đây. Ví dụ như nhà tôi đã thuê người san lấp, cải tạo mảnh vườn trước đây chỉ để trồng sắn chăn nuôi, nay trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, nhãn, ổn cho thu nhập cao hơn.
Nói một cách công tâm, xóm Bến những năm qua có bước phát triển vượt bậc, năm 2019 được công nhận là một trong 9 xóm nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của toàn tỉnh, huy động được nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Chỉ tính riêng 1 năm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu đã huy động nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 4.000m2 đất các loại để nâng cấp trên 4km đường giao thông nông thôn và xây dựng một số công trình công cộng khác, trong đó nhờ đóng góp rất quan trọng của số con em đi thoát ly.
Tuy không đổ mồ hôi trên đồng ruộng, nhưng những người trẻ tuổi này luôn cần mẫn trong những nhà máy, công xưởng để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Những đồng tiền làm ra từ sức trẻ của họ không chỉ nuôi sống bản thân, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho chính gia đình họ mà còn góp phần xây dựng quê hương đẹp giàu.