Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, hoạt động sáng tạo. Qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Căn nhà nhỏ của thương binh Ma Lăng Tiến, mất 61% sức khỏe ở xóm Pác Máng, xã Định Biên (Định Hóa) là một trong những địa chỉ đỏ mà ĐVTN địa phương thường tìm đến. Đều đặn hàng tháng, ĐVTN trong xã lại tổ chức đến thăm, giúp đỡ gia đình ông dọn dẹp nhà cửa, sân vườn... Mỗi dịp như vậy, các bạn trẻ lại được nghe những câu chuyện về một thời đạn bom máu lửa, những trận chiến oai hùng của quân và dân ta, về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước.
Theo chị Hoàng Thị Ngà, Bí thư Huyện đoàn Định Hóa: Các thương, bệnh binh, cựu chiến binh là những người từng đi qua bão lửa chiến tranh, trực tiếp sống và cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định đó là những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cho ĐVTN. Những câu chuyện thực tế từ các nhân chứng lịch sử cũng chính là những tư liệu quý giá để Đoàn thực hiện công tác này. Cùng với đó, Huyện đoàn coi các hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công là một cách giáo dục truyền thống cách mạng cho ĐVTN. Hoạt động này không chỉ tổ chức trong các ngày lễ, tết, mà được Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai thường xuyên.
“Tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, những năm qua, Đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, như: Hành trình vì biển đảo quê hương; hành trình theo bước chân những người anh hùng; diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách; các hoạt động hướng đến khu căn cứ cách mạng; chỉnh trang, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ… Chỉ tính riêng năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức hơn 1.600 lượt thăm hỏi, tặng trên 3.000 phần quà tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và các gia đình chính sách; 80 chương trình khám bệnh, phát thuộc miễn phí cho 9.000 lượt người thuộc các gia đình chính sách, người có công; xây dựng hàng trăm tuyến đường Thắp sáng làng quê tại khu căn cứ cách mạng; lắp đặt hệ thống điện dân dụng cho 250 gia đình chính sách…
Cùng với việc tổ chức thăm, gặp mặt nhân chứng lịch sử và triển khai các hoạt động tri ân, Tỉnh đoàn cũng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của tổ chức Đoàn. Tại nhiều trường học, việc giáo dục truyền thống đã gắn liền với những việc làm thường kỳ như kết nạp đội viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh hiểu hơn về những di tích cách mạng của quê hương để từ đó có sự nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống.
Em Nguyễn Minh Thúy, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Ngô Quyền (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích do Đoàn trường tổ chức đã giúp chúng em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Cảm nhận trong em là sự tôn kính và lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt, những lời căn dặn của Bác dành cho chúng em luôn là ngọn đuốc sáng thôi thúc thế hệ trẻ không ngừng học tập, rèn luyện”.
Trung bình mỗi năm, Đoàn các cấp trong tỉnh tổ chức gần 200 buổi giao lưu, nói chuyện về truyền thống lịch sử của dân tộc, thu hút hàng nghìn ĐVTN tham gia; tổ chức hơn 100 lớp tập huấn, hội nghị về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho gần 10.000 cán bộ, đoàn viên; hàng trăm buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trên 200 hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ…
Đồng chí Phạm Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Chăm lo, phát triển ĐVTN vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực; chỉ đạo cơ sở nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và đẩy mạnh việc chăm sóc, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, chú trọng giáo dục về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng bộ tỉnh, tổ chức Đoàn, truyền thống của địa phương; phối hợp với các ngành nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình, hoạt động có tính giáo dục cao, có sức lan tỏa nhất là các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh.