Với mong ước “Cho đi là còn mãi”, dù đang học tập và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng những du học sinh tham gia chương trình Thực tập nghề hưởng lương của Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế (ITC), Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) vẫn luôn hướng về quê hương, về mái trường thân yêu bằng những việc làm giản dị, thiết thực.
Chị Hoàng Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế (Trường Đại học Nông Lâm) chia sẻ với chúng tôi: Cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm ITC nhận được tin nhắn của em Nguyễn Trung Hiếu, một sinh viên đang tham gia Chương trình Thực tập nghề hưởng lương tại Israel gửi về: “Chị ơi, em và bạn Đồng Hoàng Sơn muốn gửi một khoản tiền nhỏ qua Trung tâm để giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập chuẩn bị một phần hành trang trước khi lên đường đi thực tập nước ngoài”. Chúng tôi những người phát triển Chương trình thực tập nghề hơn 12 năm qua ở trường Đại học Nông Lâm đã lặng người xúc động trước tấm lòng vàng của hai em Hiếu và Sơn.
Dù chưa có cơ hội gặp gỡ trực tiếp nhưng qua cuộc trò chuyện với hai chàng trai có “tấm lòng vàng” ấy thông qua mạng xã hội Zalo cũng giúp chúng tôi cảm nhận rõ tính cách vui vẻ, hòa đồng, nhiệt huyết của Hiếu và Sơn. Hai bạn có khả năng ngoại ngữ rất tốt và có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Hiếu và Sơn tâm sự: Trước khi tham gia Chương trình Thực tập nghề của Nhà trường chúng em đã tìm hiểu rất kỹ về quốc gia khởi nghiệp – Israel, nơi có những người Do Thái thông minh, kiên cường và đầy sáng tạo đã làm nên kỳ tích nông nghiệp trên sa mạc khô cằn và được truyền cảm hứng qua chương trình “Tony buổi sáng”. Điều đó thôi thúc chúng em phải đến được đất nước này để tìm hiểu, học tập nền nông nghiệp công nghệ cao của họ để sau này trở về áp dụng vào thực tế, xây dựng một nền nông nghiệp xanh cho quê hương Việt Nam.
Khi tham gia thực tập tại Israel năm 2019, Nguyễn Trung Hiếu và Đồng Hoàng Sơn tận mắt chứng kiến trong đoàn có nhiều bạn sinh viên hoàn cảnh rất khó khăn, vừa đi học và vừa phải đi làm thêm vất vả. Hai bạn đã bảo nhau tiết kiệm tiền lương của mình được 20 triệu đồng để gửi tặng 10 suất học bổng cho các em sinh viên nghèo ham học hỏi của Chương trình Thực tập nghề Israel khóa sau, giúp các em có thể thực hiện được mơ ước của mình.
Trong suốt 12 năm, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế đã kết nối cho hàng nghìn bạn sinh viên có tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ, vượt khó và có niềm đam mê với nông nghiệp. Được đi học tập, trải nghiệm, tích lũy kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên Thế giới như: Israel, Nhật Bản, Đan Mạch, Hoa Kỳ… và có tích lũy từ 200 đến 300 triệu đồng.
Ngược lại, các du học sinh cũng luôn hướng về quê hương, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, nghĩa “đồng bào” đồng hành cùng Trung tâm giúp đỡ, hướng dẫn các tân sinh viên khi tham gia chương trình thực tập nghề ở nước ngoài. Điển hình như ở Đan Mạch, các bạn sinh viên khóa trước luôn chủ động kết nối, thăm hỏi, hỗ trợ tân sinh viên mở thẻ ngân hàng, tìm kiếm chỗ ở, hướng dẫn lựa chọn phương tiện đi lại, giúp các em làm quen với cuộc sống và môi trường mới. Sinh viên đang thực tập tại Úc, Nhật Bản và Đài Loan thường xuyên livestream về Trung tâm nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cho các em khóa sau làm thế nào để biến cơ hội thực tập thành cơ hội việc làm và có một kỳ thực tập nghề thành công.
Cựu sinh viên trước khi về nước để lại đồ dùng, quần áo, sách vở... cho các em sinh viên khóa sau sang tiếp tục dùng, tiết kiệm được chi phí ban đầu. Sau khi trở về nước, nhiều cựu sinh viên còn tình nguyện tham gia các Chương trình Định hướng kỹ cho sinh viên trước khi đi thực tập ở nước ngoài… Không chỉ vậy, điều đáng quý mà mỗi du học sinh tham gia thực tập nghề hưởng lương ở nước ngoài đều ý thức rõ ràng đó chính là xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.
Điển hình như Dự án Đom đóm rẻo cao của ba cô gái Lý Ngân Giang, Mông Thị Điệp và Lưu Thị Ngân đang thực tập nghề tại đất nước Israel. Mỗi ngày sau giờ học, 3 bạn lại kêu gọi bạn bè của mình thu gom chai lọ, vỏ lon bia để bán lấy tiền giúp các em nhỏ vùng cao có được những bữa ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng. Lý Ngân Giang tâm sự: Chúng em sinh ra và lớn lên ở những miền núi cao, đã băng qua rừng và khe núi để đến trường với khát vọng đổi đời. Giờ đây, chúng em hy vọng những việc làm nhỏ bé của mình sẽ chia sẻ những khó khăn với các em nhỏ ở quê hương mình, đất nước mình. Ngoài ra, thu gom vỏ phế liệu cũng giúp bảo vệ môi trường nên được bạn bè quốc tế rất ủng hộ, yêu mến.
Những hành động, việc làm của các du học sinh không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn là sợi dây thắt chặt tình cảm giữa những người con xa Tổ quốc với quê hương, đất nước. Người Việt trẻ hôm nay dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn hướng về cội nguồn khao khát đóng góp xây dựng quê hương.