Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn, thời gian qua, lực lượng Công an T.P Thái Nguyên đã tích cực, chủ động trong việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
Thành phố Thái Nguyên đang quản lý, giúp đỡ trên 970 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Nhìn chung, họ đều chấp hành nghiêm sự quản lý, giáo dục, giám sát của chính quyền, cam kết không vi phạm pháp luật. Trung tá Nguyễn Văn Quang, Phó Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Những năm qua, Đội đã làm tốt công tác tham mưu cho Công an Thành phố đã chỉ đạo công an các xã, phường lập hồ sơ điều tra cơ bản để nắm bắt tình hình, quản lý giáo dục với người chấp hành xong án phạt tù về hòa nhập cộng đồng. Đội không có cán bộ chuyên trách mà cử 4 đồng chí phụ trách 32 xã, phường, nhiệm vụ hàng tuần, tháng lập hồ sơ, tổng hợp số liệu làm cơ sở cho công tác quản lý.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều ban hành nghị quyết chỉ đạo về công tác quản lý đối tượng và tái hòa nhập cộng đồng, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp thực hiện, trong đó, lực lượng công an là nòng cốt. Công tác quản lý, giám sát, giúp đỡ đối tượng này được tiến hành trình tự, bài bản: Ngay sau khi họ về địa bàn, được lực lượng Công an cơ sở nhập hộ khẩu thường trú, làm thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân (nếu có). Đồng thời, các đồng chí cảnh sát khu vực được phân công quản lý hồ sơ nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng của từng trường hợp. Từ đó, có biện pháp quản lý, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng thường xuyên phối hợp với gia đình người chấp hành xong án phạt tù giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất để họ ổn định đời sống.
Đối với những người nghiện ma túy, hàng năm các xã, phường đều tổ chức xét nghiệm ma túy, nếu dương tính, lập hồ sơ giáo dục tại địa phương, động viên gia đình phối hợp tổ chức cai nghiện tại nhà. Nếu tiếp tục tái nghiện sẽ đưa vào các cơ sở giáo dục cai nghiện bắt buộc. Lực lượng công an cũng phối hợp chặt chẽ với ban bảo vệ dân phố, tổ an ninh tự quản ở các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những khu vực tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội, phát hiện và ngăn chặn kịp thời với các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù tái vi phạm pháp luật. Hết thời gian quản lý trong cộng đồng, các xã, phường họp bàn, làm thủ tục xóa án tích cho người đủ điều kiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Đa số người chấp hành xong án phạt tù là đối tượng nghiện ma túy, tệ nạn xã hội, sống ở môi trường phức tạp, dễ bị lôi kéo, nguy cơ tái phạm tội cao. Việc tổ chức tái hòa nhập cộng đồng nhiều khi không có sự hợp tác của chính đối tượng trong diện quản lý, giúp đỡ, bởi có người sau khi ra trại không trở về địa phương, hoặc có về nhưng không trình diện. Lực lượng công an cơ sở mặc dù đã được tăng cường song số lượng đối tượng chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn nhiều nên chưa thể sát sao quan tâm, giúp đỡ hiệu quả.
Để giải quyết những khó khăn này, thời gian tới, lực lượng Công an thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng người chấp hành xong án phạt tù để động viên, giúp đỡ họ hoàn lương. Đặc biệt là phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tìm kiếm việc làm để các đối tượng từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.