Huyện Đồng Hỷ hiện có 104 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua những người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn các giá trị tuyền thống tốt đẹp; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Chúng tôi đến xóm Mỏ Ba, xã Tân Long thăm ông Hồng Văn Dình, người có uy tín ở xóm để tìm hiểu việc ông vận động người dân tộc Mông ở đây xóa đói giảm nghèo. Cùng chúng tôi đi một vòng quanh xóm, ông Dình khái quát: xóm Mỏ Ba trước năm 2010 vẫn nghèo lắm, đường đi toàn đá dăm, đá hộc nên bà con ít khi xuống núi; người dân duy trì cuộc sống chủ yếu từ việc phát rẫy tra ngô; tỷ lệ hộ nghèo gần 100%...
Nhưng Mỏ Ba hôm nay đã khác xưa, những năm gần đây được Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường giao thông, tôi đã cùng với các đoàn thể xóm vận động bà con tích cực hiến đất, đến nay Mỏ Ba đã có đưởng bê tông lên tận xóm. Việc đi lại thuận lợi, người dân được tiếp cận nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp nên tôi cùng với cán bộ xóm tiếp tục vận động bà con đưa những cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất như: trồng chè, các loại cây ăn quả, nuôi ong lấy mật... để góp phần xóa đói giảm nghèo. Toàn xóm hiện có 170 hộ, trong đó hộ nghèo còn 103 hộ. Cuộc sống của bà con đỡ khó khăn hơn trước nhiều rồi. Hiện tại tôi vẫn tiếp tục vận động bà con nhân rộng diện tích chè chất lượng cao để nâng cao thu nhập, phấn đấu mỗi năm trồng mới, trồng lại được 2ha chè.
Rời nhà ông Dình, chúng tôi đến nhà ông Dương Văn Sình, ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn cũng là một trong những người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Ông Sình được đồng bào dân tộc Mông tin tưởng bầu chọn là người có uy tín không chỉ bởi ông luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của xóm, gần gũi với bà con mà ông còn tích cực tuyên truyền, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ông Dương Văn Sình đã có nhiều đóng góp trong việc vận động đồng bào dân tộc Mông không nghe theo các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chuyện về việc vận động đồng bào không theo tôn giáo bất hợp pháp, ông bảo: Muốn bà con tin tưởng và muốn biết được bà con cần gì thì phải thường xuyên trò chuyện, trao đổi với bà con những vấn đề liên quan đến cuộc sống, lợi ích thiết thực của họ. Nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo phải tuyên truyền khéo để bà con không tự ái. Trước kia ở xóm Trung Sơn có một số người dân tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, nhưng từ sự tuyên truyền của cán bộ địa phương và những người có uy tín ở xóm, nhiều người đã không còn tin, theo mà tập trung vào lao động sản xuất. Để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động, phong trào, ngoài việc góp ý trong các cuộc họp xóm tôi còn tranh thủ trò chuyện trong khi cùng bà con đi làm nương rẫy để tuyên truyền bà con phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, làm những điều trái với pháp luật.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ thường là các già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí có uy tín ở địa phương, được bà con kính trọng, tin tưởng, nghe theo. Họ luôn là những tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, vận động đồng bào dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Bằng uy tín, kinh nghiệm, cùng sự am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán trong đồng bào dân tộc nên người có uy tín thường có những ý kiến đóng góp thấu tình đạt lý với xóm, bản để tham gia xử lý công việc, từ đó giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh nếu có.
Ví như trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người có uy tín đã giải thích, vận động, thuyết phục đồng bào nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền những điều mê tín dị đoan, góp phần cùng lực lượng công an địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở... Những kết quả mà người có uy tín trong đồng bào dân tộc huyện Đồng Hỷ đã làm được trong thời gian qua cho thấy họ thực sự là “cầu nối” tin cậy giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân các dân tộc ở địa phương.