Mới đây, Dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp do Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Thái Nguyên làm chủ đầu tư triển khai tại xóm 2, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) nhưng vấp phải sự phản ứng của người dân. Lý do khiến nhân dân không đồng thuận là vị trí đặt dự án chưa đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường (ATMT); lo lắng việc san gạt mặt bằng trong khu vực dự án sẽ ảnh hưởng đến khu đồi ngăn cách giữa các nhà máy xử lý rác thải khác với các khu dân cư.
Được biết, Dự án được triển khai năm 2019 với diện tích hơn 2,3ha, nhằm thu gom và xử lý rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận (công suất xử lý rác thải 200.000 tấn/năm) và tái chế phế liệu, kinh phí dự kiến trên 102 tỷ đồng. Trước đó, trên địa bàn xã Minh Đức đã có 2 nhà máy xử lý rác thải của Công ty Việt Xuân Mới và Công ty CP Môi trường Thái Nguyên hoạt động. Mặc dù, không thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng vào những ngày mưa, mùi hôi thối, khói khét từ các nhà máy đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân xung quanh.
Bởi thế, khi dự án mới triển khai, người dân khá lo lắng nên đã kiến nghị đến chín quyền địa phương. Từ những kiến nghị của nhân dân xóm 2, ngày 5-6-2020, xã Minh Đức đã có văn bản gửi tới Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị xem xét cụ thể vị trí xây dựng, khoảng cách từ Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp Thái Nguyên đến khu dân cư.
Ngày 9-9-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, thống nhất và đưa ra kết luận như sau: Khoảng cách từ khu vực lắp đặt lò đốt chất thải theo tổng mặt bằng của Dự án đã phê duyệt đến các hộ dân gần nhất có khoảng cách là 250m. Hoạt động san gạt mặt bằng trong khu vực dự án không làm ảnh hưởng đến việc che chắn của khu đồi giữa nhà máy xử lý rác thải khác với các hộ dân xung quanh (điểm cao nhất của các khu đồi xung quanh không thay đổi).
Mặc dù đã đưa ra được khoảng cách cụ thể từ nơi đặt Dự án đến khu dân cư, song tại buổi làm việc, cơ quan chuyên môn lại chưa chỉ rõ khoảng cách đó có đảm bảo an toàn môi trường (ATMT) theo quy định hay không. Trong khi đó, tại Công văn số 2221/STNMT-BVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phúc đáp văn bản số 285/Cv-UBND ngày 5/6/2020 của UBND xã Minh Đức về khoảng cách ATMT khi thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp tại xóm 2 xã Minh Đức nêu: Nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khí thải, sản xuất phân hữu cơ) khoảng cách ATMT nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500m. Như vậy, khi đối chiếu với quy định này, khoảng cách xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp tại xóm 2, xã Minh Đức đến khu dân cư là chưa đảm bảo.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho rằng: Việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ các thủ tục pháp lý, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhằm giải quyết dứt điểm những kiến nghị của nhân dân, địa phương mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét có nên chuyển vị trí đặt dự án, hoặc chủ đầu tư nên điều chỉnh một số hạng mục, phương thức hoạt động cho phù hợp để đảm bảo môi trường sống của người dân.
Thực tế cho thấy, nỗi lo của người dân xã Minh Đức về việc môi trường bị ảnh hưởng khi có các nhà máy xử lý rác đứng chân là điều dễ hiểu và hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của T.X Phổ Yên. Bởi thế, việc xây dựng cần có phương án cụ thể, vị trí xây dựng phù hợp, đáp ứng các quy định của pháp luật, các quy chuẩn về lĩnh vực xây dựng, môi trường.