Quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động xuất khẩu (LĐXK) được quan tâm. Điều đó thể hiện thông qua hoạt động cụ thể từ các cấp, ngành chức năng của tỉnh bằng việc tạo thuận lợi cho người lao động dễ dàng tiếp cận những thông tin về thị trường lao động ngoài nước; các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) phi lợi nhuận; tham gia khóa học bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh. - Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH (Sở) chia sẻ.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực XKLĐ, trong đó 2 đơn vị có trụ sở chính đóng ở địa bàn T.P Thái Nguyên, gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên và Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Thái Việt. Các đơn vị còn lại đặt trụ sở làm việc chính tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh… và thường xuyên tổ chức các đợt về Thái Nguyên, phối hợp với các cấp, ngành chức năng tuyển dụng lao động xuất khẩu. Liên quan tới việc này, ở giai đoạn từ năm 2011 đến hết tháng 3-2020, Sở đã thẩm định hồ sơ và giới thiệu cho hơn 300 lượt doanh nghiệp có đủ điều kiện trong lĩnh vực XKLĐ được phép về các huyện, thành phố, thị xã để tuyên truyền, tạo nguồn và tuyển chọn lao động ra làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu tổng hợp của Sở: Giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 3-2020, toàn tỉnh có 15.566 lượt người đi LĐXK có thời hạn ở nước ngoài. Bình quân 1 năm có hơn 1.500 người, riêng năm 2019, toàn tỉnh có 2.018 LĐXK (đạt 201,8% kế hoạch năm). Chủ yếu là thị trường lao động tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và các quốc gia Trung Đông. Ông Lê Minh Tú, Chuyên viên Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở) cho biết: Số lượng lao động phân bố không đồng đều, nhiều nhất là thị trường Đài Loan, chiếm 46,52%; Nhật Bản chiếm 18,26%; Malaysia chiếm 13,25%; các nước Trung Đông chiếm 7,8%; Hàn Quốc chiếm 3,48%; các nước còn lại chiếm 9,79%.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người LĐXK, hằng năm, Sở chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sở cũng đã chủ động lồng ghép trong các Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, các buổi truyền thông triển khai Chương trình việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, Sở có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khi tuyển chọn lao động trên địa bàn, trước khi xuất cảnh cần nghiêm chỉnh chấp hành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Và chỉ những lao động đã tham gia đầy đủ khóa học và có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khi đó người lao động mới đủ điều kiện để được ra nước ngoài làm việc.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Cách đây gần 5 năm về trước, thị trường lao động tại các nước Trung Đông khá hấp dẫn với lao động người Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên. Từ hơn 3 năm gần đây, thị trường này không còn sức hút đối với người lao động, năm 2019, có 6 lao động; 8 tháng đầu năm 2020, có 1 LĐXK đến thị trường các nước Trung Đông làm việc. Trái ngược với các thị trường lao động ở Trung Đông, thì Đài Loan và Nhật Bản nổi lên, tạo sức hấp dẫn lớn đối với người lao động. Theo bà Trần Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên: Đài Loan và Nhật Bản tạo được sức hấp dẫn lớn đối với người lao động vì có thời gian hợp đồng lao động phù hợp, từ 2 đến 2,5 năm/hợp đồng. Cùng với đó là 2 thị trường này có công việc làm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng lao động có trình độ tay nghề khác nhau và mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người LĐXK, Sở phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành chuyên môn chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến XKLĐ; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp nắm tình hình, động viên người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc tích cực học tập, chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa của thị trường mình sẽ đến làm việc. Sở cũng đã giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp tham gia dịch vụ tuyển dụng LĐXK. Đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một số các đơn vị liên quan đến XKLĐ. Qua kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém và hướng dẫn cho các đơn vị này hoàn thiện những nội dung liên quan đến XKLĐ theo quy định của Nhà nước. Kiên quyết không để xảy ra các sai sót, bất cập trong việc thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Từ quan tâm thỏa đáng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho người LĐXK, người lao động cũng như gia đình yên tâm, hoàn thành hợp đồng lao động như đã cam kết với đơn vị trung gian và bên sử dụng lao động. Nhiều người sau khi hết hạn hợp đồng trở về với gia đình, đã đăng kí thực hiện tiếp một hợp đồng khác, và rủ thêm người nhà cùng đi… xóa giảm nghèo bền vững.