Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các lĩnh vực xã hội, phản ánh rõ nhất là thị trường lao động. Từ đầu năm 2020, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động; giãn việc làm dẫn đến mất cân bằng trong cung - cầu lao động. Nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm, nhu cầu có việc làm của người lao động (NLĐ) tăng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên không đứng ngoài khó khăn này. Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Đại dịch COVID-19 khiến không ít hoạt động chuyên môn của Trung tâm bị gián đoạn. Song Trung tâm nhanh chóng ổn định, thích nghi thông qua đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình của thị trường lao động.
“Kịch bản” hoạt động của Trung tâm hoàn toàn thay đổi so với dự kiến kế hoạch từ cuối năm 2019. Tất cả đều được xây dựng mới, sát với diễn biến thị trường lao động. Và để làm tròn “sứ mệnh” kết nối giữa bên tuyển dụng lao động và người lao động, Trung tâm tích cực cải thiện môi trường giao dịch văn minh. Tạo thuận lợi, kịp thời nhất về các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Tính đến hết tháng 9 năm nay, Trung tâm đã thu thập, tổng hợp thông tin nhu cầu tuyển dụng của trên 150 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động. Các thông tin liên quan đến thị trường lao động, việc làm trong và ngoài nước được phổ biến đầy đủ, công khai, rộng rãi thông qua các hình thức tuyên truyền như niêm yết áp phích, thông tin tại nhà văn hóa các xã, phường, thị trấn; trên hệ thống loa phát thanh cấp huyện, cấp xã; qua trang Web của Trung tâm và tại các hội nghị, phiên giao dịch việc làm.
Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng phòng Thông tin thị trường cho biết: Khác với các năm trước đây, năm nay Trung tâm liên tục tiến hành đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, nghề học cho NLĐ. Ngoài tổ chức tư vấn tập thể, chuyên đề và chuyên sâu theo phương pháp truyền thống, Trung tâm còn tổ chức tư vấn trực tuyến, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.
Quy mô, cách thức tổ chức phiên giao dịch được cải tiến, bám sát diễn biến thị trường lao động, do đó Trung tâm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm của NLĐ trên địa bàn. Qua đó đã trực tiếp hỗ trợ được cho NLĐ tìm việc và doanh nghiệp tuyển dụng. Trong 9 tháng, Trung tâm thực hiện 18 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 31 phiên giao dịch việc làm lưu động, 5 phiên giao dịch trực tuyến và 10 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho đội ngũ cộng tác viên là trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các hội đoàn thể. Có hơn 36.000 lượt NLĐ được tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học, trong đó có hơn 29.000 lượt NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đã có 850 lao động được giới thiệu, tuyển dụng làm việc.
Từ đầu năm, Trung tâm đã tổ chức 10 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại 9 huyện, thành phố, thị xã và các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng đã tham mưu với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hỗ trợ học nghề cho 70 trường hợp là NLĐ thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và là người dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; thực hiện tuyển sinh, mở 4 lớp dạy nghề chế biến và bảo quản chè cho 94 lao động nông thôn. Các sàn giao dịch, phiên giao dịch việc làm tiếp tục được Trung tâm triển khai, tạo sự bình ổn cho thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của cả 2 bên: Tuyển dụng lao động và NLĐ.