Gần 108.000 người lao động (NLĐ) được tạo việc làm mới trong giai đoạn 2015-2020, vượt trên 43% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Bình quân có gần 22.000 NLĐ được tạo việc làm/năm... Kết quả này thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm (GQVL) cho NLĐ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, xác định rõ tầm quan trọng của lĩnh vực GQVL, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt việc rà soát nguồn nhân lực, vị trí việc làm tại các đơn vị, cơ sở sản xuất. Đồng thời, tập trung triển khai các văn bản, chính sách về đào tạo nghề, GQVL cho NLĐ tới đông đảo nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Một trong những giải pháp hiệu quả trong tạo việc làm cho NLĐ là việc tỉnh quan tâm tới đội ngũ cán bộ quản lý lao động - việc làm tại cơ sở. Họ là những người trực tiếp tuyên truyền đến mọi người dân về các nội dung liên quan đến chính sách lao động, việc làm. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 cán bộ cơ sở được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác này. Và họ là những đầu mối quan trọng giúp cơ quan chuyên môn, người sử dụng lao động những thông tin chính xác về nhu cầu cần có việc làm của NLĐ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên tư vấn cho người lao động lựa chọn công việc phù hợp với năng lực của mình tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức ngày 10/9/2020 giữa 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: N.C
Nhằm nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng sản xuất cho đông đảo NLĐ, các cấp, ngành của tỉnh luôn linh hoạt trong triển khai thực hiện các chính sách, quy định về giáo dục nghề nghiệp, qua đó tăng dần tỷ lệ NLĐ được đào tạo nghề từ 58,1% năm 2015 lên 68,6% năm 2019 và dự kiến đạt trên 80% vào cuối năm nay. Hiệu quả đào tạo nghề cho NLĐ góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin: Trong 5 năm 2015-2020, toàn tỉnh có gần 15.000 lao động nông thôn được Nhà nước hỗ trợ tham gia các lớp đào tạo nghề. Hầu hết sau đào tạo, NLĐ đã tìm được việc làm mới, hoặc làm nghề cũ nhưng đạt thu nhập cao hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh còn có gần 2.800 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề. Chủ yếu là các nghề: Lái xe ô tô; cơ khí; dệt may; sửa chữa máy nông nghiệp; chăn nuôi, thú y… 90% thanh niên sau đào tạo nghề có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Và thông qua một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tỉnh đoàn đã tổ chức 16 lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho hơn 800 đoàn viên, thanh niên tham gia. Để khuyến khích các bạn trẻ tự tin, hàng năm, Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với Đại học Thái Nguyên mời một số chuyên gia kinh tế tham gia nói chuyện tại diễn đàn “Thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”, qua đó thu hút hàng nghìn lượt sinh viên tham gia. Qua diễn đàn, nhiều bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, tự tạo được việc làm cho chính mình và bè bạn.
Liên quan tới lĩnh vực GQVL cho NLĐ, bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Với vai trò là “nhịp cầu” giữa NLĐ và người sử dụng lao động, thời gian qua, Trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm với nhiều hình thức (như tổ chức định kỳ, lưu động, trực tuyến và vào các ngày làm việc). Từ năm 2015 đến nay đã có hơn 114.500 lượt NLĐ được tư vấn việc làm, trong đó có gần 35.000 NLĐ đã tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ tay nghề chuyên môn… Ngoài việc làm tại các công ty, đơn vị, cơ sở sản xuất trong nước, 5 năm gần đây toàn tỉnh còn có hơn 8.000 lượt NLĐ xuất cảnh đi làm việc có thời hạn tại hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều NLĐ thuộc diện hộ nghèo được tỉnh hỗ trợ cho vay vốn để làm các thủ tục theo quy định trước khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc (hiện nay toàn tỉnh có 147 NLĐ tham gia vay với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng)...
Để mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ ở vùng sâu, xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống và người khuyết tật, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tạo cho người dân tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm tại chỗ. Hiện, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất của tỉnh đạt gần 150 tỷ đồng, trong đó có gần 68 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm; 15 tỷ đồng huy động từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; hơn 66 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Doanh số cho vay đến nay đạt hơn 200 tỷ đồng, với gần 5.700 lượt người vay. Tổng dư nợ đạt hơn 146 tỷ đồng, tăng hơn 67 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2015. Ngoài ra còn có 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được vay với tổng vốn hơn 5,4 tỷ đồng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương...
Các giải pháp về tạo việc làm cho NLĐ được các cấp, ngành của tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nên đã mở ra cho NLĐ nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có việc làm mang lại thu nhập ổn định, góp phần thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh.