Đau xót, khủng khiếp, kiệt quệ, nặng nề, thương lắm… là những từ được sử dụng nhiều nhất trong những ngày này khi nói về hậu quả mưa lũ mà người dân các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu. Vậy nhưng bên cạnh sự đồng cảm, sẻ chia và những hành động có ý nghĩa mà đại bộ phận người dân cả nước đang hướng người dân vùng lũ thì đâu đó vẫn còn những người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà người dân nơi đây đang trải qua.
Những ngày này, thay vì cập nhật những thông tin cá nhân vui vẻ thì nhiều trang facebook, zalo của không ít người đã dành để cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ miền Trung, nhất là về những thiệt hại mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Mở xem phần bình luận, chúng tôi không khỏi xúc động trước nhiều chia sẻ: “Đau thương, mất mát quá lớn mà mưa vẫn hoành hành… Rất mong có cuộc vận động cả nước giúp miền Trung”; “Mong trời tạnh mưa đi ạ! Thương quá Việt Nam ơi, thiên tai khắc nghiệt quá”!; “Một năm khốc liệt quá! Chưa hết dịch bệnh lại thiên tai dồn dập! Sạt lở, bão dông chồng lên lũ lụt! Xót xa quá miền Trung ơi”; “Em xem chỉ khóc thôi”...
Bên cạnh đó, có cả những bình luận chất chứa nỗi niềm: “Đau thương mất mát quá lớn. Vậy mà vẫn còn nhiều nơi, nhiều hoạt động rầm rộ vẫn diễn ra với cờ hoa rợp trời. Trên facebook, không ít người vô cảm khoe hình ảnh đi đây, đi đó, tung tẩy váy áo xúng xính, điệu đà làm dáng cùng hoa, quà tặng, ăn uống, nhậu nhẹt linh đình…”; “Thiệt hại thế này thì nên dừng các hoạt động vui chơi giải trí, hướng về miền Trung”…
Có không ít người không ngần ngại cập nhật những status: “Ngày 20-10 - hãy hạn chế tặng hoa mà hãy ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt”; hay như “Buồn, lo, thương quá… không biết phải làm sao… Mong không nhìn thấy những hình ảnh vô tình của ai đó đưa lên mạng, uốn éo, ngả nghiêng vui đùa hưởng thụ trong lúc bà con mình đang vật vã với lũ dữ miền Trung”…
Chị Đào Thị Hương - một tiểu thương kinh doanh tại chợ Thái không giấu được cảm xúc khi chia sẻ với chúng tôi: Cả tuần nay, tin tức mà tôi muốn nghe nhất chính là về tình hình mưa lũ miền Trung. Bất cứ lúc nào vắng khách là tôi lại vào các trang báo để đọc, nắm bắt xem bà con mình trong đó thế nào? Bao giờ mưa lũ kết thúc? Công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ bà con ra sao… Đợt mưa lũ này, bà con trong đó thiệt hại nặng nề quá. Nhiều hình ảnh cứ ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ. Có hôm, vừa ăn cơm vừa xem thời sự, mà nước mắt tôi cứ trào ra... Chị Hương cũng cho rằng mọi người không nên đăng ảnh, clip ăn chơi vui vẻ lên các trang mạng xã hội dù rằng đó là quyền của họ.
Còn theo anh Dương Văn Đăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Từ thiện đất thép Thái Nguyên: Trước thiệt hại, mất mát quá lớn mà người dân miền Trung đang phải trải qua, các thành viên Câu lạc bộ đã và đang huy động người thân, bạn bè cùng chung tay ủng hộ bằng nhiều hình thức: Tiền mặt, nhu yếu phẩm, quần áo hay đồ gia dụng... Sau đó, chúng tôi sẽ gửi nhờ Đoàn Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chuyển đến bà con vùng lũ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở tổ 5, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) - có bố mẹ, em trai và gia đình nhà nội đang ở sống tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Những ngày này, biết tôi có người thân đang phải chống chọi với bão nên nhiều bạn bè nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, thậm chí có người còn có nhã ý muốn được giúp đỡ… Hành động đó tuy nhỏ nhưng cũng khiến tôi thấy ấm lòng và có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Ca dao có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thế nên, khi khúc ruột miền Trung đang rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” thì việc mỗi người dân có những hành động thiết thực, cụ thể hướng về miền Trung là điều hết sức cần thiết, dù đó có thể chỉ là những lời nói, dòng trạng thái để động viên để người dân nơi đây vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này. Hãy đặt mình vào vai người miền Trung những ngày này để cần biết mình làm gì, không nên làm gì để thể hiện tình thương yêu lẫn nhau theo đúng nghĩa “đồng bào”.