Không chủ quan với điện

08:57, 20/10/2020

Thời gian qua, không ít người lao động phải mang thương tật suốt đời, thậm chí là mất mạng vì chủ quan, thiếu cẩn trọng khi tiếp cận và làm việc với hệ thống điện. Chỉ đến khi xảy ra sự cố, nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động mới giật mình và bắt đầu quan tâm đến khâu an toàn lao động khi làm việc với điện.

Trường hợp anh Vũ Đức Thiện, tổ 1, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) là 1 minh chứng. Anh Thiện là công nhân của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh (Khu công nghiệp Sông Công). Mới vào Công ty nhận việc được 9 ngày thì anh bị tử vong do điện giật. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định, vào thời điểm anh Thiện đang làm việc, bảng điện điều khiển đã bị vỡ mặt sau từ ca làm việc trước đó nhưng không được bàn giao, đề nghị sửa chữa.
 
Theo số liệu của Sở Lao động - TBXH, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 164 người tử vong vì tai nạn lao động. Riêng năm 2018 đã xảy ra 144 vụ tai nạn lao động, làm 16 người tử vong. Năm 2019 xảy ra 103 vụ tai nạn lao động, làm 105 người bị tai nạn, 10 người tư vong. Tuy chưa thống kê cụ thể nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những nạn nhân bị tai nạn lao động, có không ít trường hợp bị điện giật dẫn đến thương tật hoặc tử vong.
 
Chị Mạc Thị Ngân, xóm Phú Hạ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) kể: Chồng tôi là Trần Mạnh Hùng, làm việc cho Công ty TNHH Tân Thiện Quang. Tháng 10-2019, anh bị điện cao thế phóng khi đang thực hiện việc thay sứ. Phải vất vả lắm mọi người mới đưa được chồng tôi xuống dưới đất nhưng khi đó anh đã tử vong… Cũng bị điện cao thế phóng, nhưng thoát chết, song anh Lê Công Lai, xóm Bến Chảy, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) lại phải mang thương tật suốt đời. Anh Lai nhớ lại: Hôm đó tôi được thuê xây bờ tường rào cho một hộ dân địa phương. Trong khi đang làm việc, bất ngờ tôi cảm thấy như có một lực nào đó đập rất mạnh vào người và bị ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, bị mất cánh tay trái và không thể nhấc nổi bên chân phải. Sự cố xảy ra từ hơn 10 năm trước, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không quên được giây phút sợ hãi đó.
 
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH cho biết: Tai nạn lao động, trong đó có tai nạn do bị điện giật để lại hậu quả khó lường. Thiệt thòi nhất là nạn nhân và thân nhân của họ. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn hiện tượng che giấu tai nạn lao động. Do đó số liệu được công bố hằng năm chưa phản ánh đúng tình hình tai nạn lao động. Số liệu về tai nạn lao động chết người chủ yếu được tổng hợp từ Thanh tra của Sở. Nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc công tác khai báo, thống kê về tai nạn lao động theo quy định. Khi xảy ra tai nạn, giữa chủ sử dụng lao động và gia đình nạn nhân thường tự thỏa thuận, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng Nhà nước. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp và cả người lao động còn chưa chú trọng đến khâu an toàn lao động trong việc vận hành và sử dụng hệ thống điện. Nhiều đơn vị, hệ thống máy móc và đường điện, thiết bị điện đã cũ nhưng chưa được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Trong khi đó, người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu kỹ năng, kiến thức đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động.
 
Để nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, trong đó có phòng ngừa tai nạn do điện, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã có gần 1.500 lượt doanh nghiệp, với hơn 40.000 lượt người sử dụng lao động, hơn 340.000 lượt người lao động được tham gia các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Còn theo các chuyên gia, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động, mỗi người cần phải nâng cao ý thức tự giác trong sử dụng phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động. Người trực tiếp sử dụng lao động cũng cần quan tâm đến khối lượng công việc, công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe của người lao động; đặc biệt khi trang bị dụng cụ bảo hộ cho người lao động cũng phải phù hợp với thực tế của công việc để người lao động sử dụng bảo hộ lao động một cách hiệu quả trong quá trình lao động sản xuất.