Nâng cao ý thức cộng đồng

10:48, 02/10/2020

Phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, quyết định mục tiêu xã hội hóa về công tác PCCC, gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua khác, đồng thời là nền tảng cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Vận động nhân dân tham gia phong trào PCCC là một biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác PCCC. Vai trò của nhân dân trong công tác PCCC&CNCH trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính mình và gia đình, sau đó là bảo vệ cộng đồng xã hội; phát hiện các sơ hở thiếu sót trong công tác PCCC&CNCH và kịp thời khắc phục, hạn chế nguy cơ trực tiếp phát sinh tai nạn, sự cố cháy, nổ đồng thời là người tổ chức chữa cháy ban đầu không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Xác định công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác PCCC&CNCH ở địa phương, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ và xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh như các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”. Năm 2020 có 657 đơn vị đăng ký xây dựng tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022”. Đến nay, 100% đội dân phòng ở các xóm, tổ dân phố đã được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng tại 130/178 xã, phường thị trấn đạt 73% với tổng số 19.648 đội trưởng, đội phó và đội viên. Dự kiến đến hết năm 2021, sẽ hoàn thành công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng.

Trong 9 tháng năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, thực hiện chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh về phòng, chống COVID-19, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19, đồng thời chủ động phòng ngừa không để tai nạn, sự cố cháy nổ xảy ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCHđổi mới hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCC&CNCH bằng hình thức gián tiếp qua không gian mạng như trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... thu hút 321.030 lượt người theo dõi và chia sẻ. Tạm dừng việc kiểm tra an toàn PCCC, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường học tiến hành tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC, đã có 1.092 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và 409 cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra về Công an tỉnh.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức 105 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở của 154 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, với tổng số 4.248 người, 16 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng của 16 xã, phường, thị trấn; tổ chức 6 hội nghị phát động phong trào toàn dân PCCC và tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về công tác PCCC&CNCH, với tổng 1.253 người dự; phát 18.709 tờ rơi tuyên truyền về PCCC và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong hộ gia đình; phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn công tác PCCC cho Hội nông dân các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ với tổng số 190 người; hướng dẫn 966 cơ sở xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ và 558 cơ sở tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chỗ; duy trì hoạt động có hiệu quả 4 cụm an toàn về PCCC, như: Cụm PCCC&CNCH thị xã Phổ Yên,Cụm Doanh nghiệp an toàn về PCCC&CNCH Khu công nghiệp Gang thép, Khu công nghiệp Sông Công, Khu công nghiệp Điềm Thụy; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC; xây dựng mô hình điểm “Phong trào nhà tôi có bình chữa cháy” tại phường Hoàng Văn Thụ, “Tổ dân phố an toàn về PCCC” tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Tình hình cháy nổ trên địa bàn tình được kiềm chế và giảm thiểu, so với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy giảm 31 vụ.

Hướng tới kỷ niệm Ngày toàn dân PCCC, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC, như: Tổ chức hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại Cụm PCCC&CNCH T.X Phổ Yên; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cụm an toàn PCCC&CNCH  Khu công nghiệp Gang thép; Khu công nghiệp Sông Công và Điềm Thụy... góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh.

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Thái Nguyên đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC, đưa nội dung kiểm điểm về chỉ đạo công tác tuyên truyền PCCC vào nội dung sinh hoạt định kỳ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại địa phương, đơn vị phụ trách. Việc chấp hành các quy định pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục quán triệt nghiêm túc và triển khai sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ về công tác PCCC; quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền về PCCC phù hợp với từng loại hình, đối tượng, tuyên tuyền, hướng dẫn đơn giản, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; xây dựng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến về PCCC phù hợp với từng địa phương, loại hình cơ sở; tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, để thu hút được đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân tham gia./.