Những ngày qua, khi các cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung thì tại xã Vạn Thọ (Đại Từ) mực nước hồ Núi Cốc cũng dâng cao. Theo phản ánh của người dân sống trong vùng bán ngập, 5 năm trở lại đây, chưa năm nào nước dâng cao như năm nay. Bị nước hồ “làm khó”, hơn 30 hộ dân ở các xóm 7, 8, 9 đang phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Cá biệt, do nước dâng cao, con đường liên hộ bị ngập sâu hơn 1m khiến 3 hộ dân bị cô lập với bên ngoài.
Theo chân cán bộ xã xuống nơi nhiều hộ dân có nhà ở, công trình xây dựng ngập trong nước, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà người dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc ở Vạn Thọ đang phải đối mặt. Hằng năm, vào mùa mưa, nhất là khi hồ Núi Cốc đóng tràn xả lũ (từ tháng 7 đến tháng 11), đất nông nghiệp của các hộ dân (hộ ít có 2, 3 sào, hộ nhiều 7, 8 sào) nằm trong vùng bán ngập đều bị “chìm” sâu trong nước. Bởi vậy, nguồn lương thực của bà con đều trông cả vào vụ lúa xuân. Năm được mùa, thóc làm ra cũng chỉ đủ ăn, năm mất mùa, nhiều hộ phải “ăn đong”, cuộc sống rất khó khăn.
Không chỉ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, từ tháng 7 hằng năm, các hộ dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc ở Vạn Thọ còn chịu cảnh nhà cửa, các công trình xây dựng bị ngập nước. Ông Nguyễn Văn Ngôn, sinh sống tại xóm 9 từ năm 1975 cho hay: Gần 20 năm nay, năm nào chúng tôi cũng phải sống chung với nước mấy tháng. Tuy nhiên, kể từ năm 2005 trở lại đây, chưa năm nào tôi thấy nước lên to như năm nay. Khu đất ở của gia đình tôi đã được tôn cao hơn rất nhiều so với trước, nhưng hai tuần trước, nước vẫn tràn vào trong nhà kéo theo rác thải, bùn đất, xác chất động vật... Vất vả nhất là khi nước rút, chúng tôi phải mất cả tuần dọn dẹp, lau chùi, mua hóa chất về khử khuẩn. Mỗi đợt nước tràn vào nhà, chúng tôi không còn tâm trí đâu để lao động, sản xuất nữa…
Gia đình ông Ngôn vẫn may mắn hơn khi nhà cửa không bị ngập sâu trong nước như người hàng xóm là ông Nguyễn Bá Lệ. Hiện tại, ngôi nhà bị ngập sâu trong nước hơn 1m nên gia đình ông Lệ phải đến ở nhờ nhà người thân ở xóm bên cạnh.
Cũng do nước lên cao, con đường đi vào nhà ông Lệ và hai người hàng xóm là ông Vũ Đức Thanh, Nguyễn Tiến Hùng đã ngập sâu trong nước hơn 1m (dù trước đó đã được các hộ này đổ thêm đất để con đường cao hơn so với trước khoảng trên 1m). Do đó, các hộ này đang phải chịu cảnh cách biệt với bên ngoài. Ông Vũ Đức Thanh cho biết: Nền nhà tôi đã được tôn cao hơn trước 2,5m nên không bị ngập. Hai nhà này xây dựng trước, đã tôn nền nhà nhưng chưa đủ cao nên vẫn bị ngập. Hiện, muốn di chuyển, chúng tôi chỉ có thể dùng thuyền.
Chứng kiến người dân di chuyển từ nhà nọ sang nhà kia bằng thuyền nhỏ, chòng chành trên mặt nước, chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của mọi người. Dẫu biết hiểm nguy rình rập nhưng bà con vẫn phải sử dụng vì đây là phương tiện duy nhất phù hợp với việc di chuyển trong mùa “nước nổi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay, mùa mưa đến muộn hơn mọi năm. Đây là thời điểm hồ Núi Cốc đã đóng tràn xả lũ nên khi mưa lớn, nước dâng cao cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực trạng này đang trở nên báo động ở chỗ, nước dâng cao hơn mọi năm không chỉ cản trở cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho các công trình xây dựng, nhà cửa, tài sản của bà con.
Một thực tế đáng buồn là, trong khi người dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc ở Vạn Thọ đang ngày ngày “vật lộn” với ‘thủy thần” thì khu tái định cư tại xã này, thuộc dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 3109, ngày 20/12/2010; được bổ sung, sửa đổi lần hai tại Quyết định số 2390, ngày 27/10/2014 để di chuyển 28 hộ dân vùng bán ngập lòng hồ đã đầu tư xây dựng cách đây 5 năm vẫn chỉ là một khu đất bỏ không, hoang tàn, sụt lún nghiêm trọng.
Câu chuyện về việc khu tái định cư đã “ngốn” hơn 16 tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn là một khu đất hoang tàn đến nay chưa có hồi kết bởi các cấp, ngành chức năng chưa tìm được lời giải cho việc khắc phục tình trạng này. Vì thế, trước mắt, ngoài việc hỗ trợ người dân bị ngập nhà cửa, công trình xây dựng vận chuyển tài sản đến nơi an toàn, có phương án bảo vệ tính mạng người dân vào những ngày mưa bão như thời gian vừa qua, chính quyền địa phương, các ngành chức năng nên quan tâm hỗ trợ người dân về y tế, lương thực và nước sạch. Về lâu dài, cùng với việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, cần có phương án di chuyển người dân vùng bán ngập về nơi ở mới an toàn. Và để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng sớm vào cuộc để tiếp tục xây dựng khu tái định cư cho bà con.