Hệ thống cây xanh trong đô thị có vai trò rất quan trọng về sinh thái và mỹ quan, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm sức hút và bản sắc riêng cho đô thị. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, diện tích cây xanh hiện hữu trong các đô thị của tỉnh có những “cái được” đáng ghi nhận, nhưng công tác quy hoạch, quản lý, phát triển cây xanh đô thị còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, người luôn quan tâm và có nhiều ý tưởng, đề xuất về phát triển không gian công cộng, trong đó có hệ thống cây xanh của T.P Thái Nguyên, chia sẻ: Trên thế giới có những thành phố nổi tiếng, “có hồn” vì không gian cây xanh độc đáo. Trong nước cũng có những đô thị tạo được bản sắc từ cây xanh, ví dụ như Hải Phòng - “Thành phố Hoa phượng đỏ”, hay như một số tuyến phố ở Hà Nội có nét riêng nổi bật vì hàng cây xanh. Các đô thị tại tỉnh ta hiện nay cơ bản chưa làm được điều đó, ngoài một số nơi có không gian trồng cây xanh khá đẹp như khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh, khu vực Hồ điều hòa Xương Rồng (thuộc T.P Thái Nguyên). Nguyên nhân là do yếu tố lịch sử (có giai đoạn, việc trồng cây trên các tuyến phố chủ yếu mang tính chất tự phát, thiếu đồng bộ), công tác quy hoạch gần đây được quan tâm nhưng đã từng có lúc chưa kịp thời, thiếu bài bản và tầm nhìn xa (T.P Thái Nguyên thành lập năm 1962 nhưng phải đến năm 1995 mới được quy hoạch), thiếu nguồn lực đầu tư… Và đến nay, chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch riêng về phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn, thiếu những công viên xứng tầm ở vùng lõi các đô thị. Tôi có cảm giác, các đô thị của tỉnh, kể cả T.P Thái Nguyên lâu nay vẫn lúng túng trong việc lựa chọn các loại cây trồng.
Cây xanh đô thị trên vỉa hè tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua T.X Phổ Yên mới được trồng đồng loạt.
T.P Thái Nguyên, đô thị trung tâm của tỉnh hiện có trên 19.000m2 bồn cảnh, 42.000m2 thảm cỏ, 3.900 cây cảnh và trên 7.500 cây bóng mát các loại được trồng trên các tuyến đường, phố. Diện tích đất cây xanh đô thị bình quân trên đầu người đã đạt 7m2, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Công tác phát triển cây xanh đô thị ngày càng được thành phố quan tâm, thể hiện trước tiên trong công tác quy hoạch, trong các đồ án, dự án, diện tích cây xanh luôn được bố trí đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Hoạt động tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc cây được quan tâm thường xuyên, hằng năm thành phố trồng mới khoảng 1.000 cây xanh đô thị. Công tác quản lý cây xanh cũng ngày càng được coi trọng, cùng với đó thành phố cũng bố trí vốn hằng năm và theo giai đoạn để phát triển cây xanh (trung bình khoảng 5 tỷ đồng/năm)…
Tuy vậy, như đánh giá của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, cây xanh phân tán trồng trên các tuyến đường phố của T.P Thái Nguyên cũng như các đô thị khác của tỉnh đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất. Vị trí, khoảng cách, kích thước cây khác nhau và có nơi cũng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của cây xanh đô thị, không đảm bảo mỹ quan. Ví dụ như đường Cách mạng Tháng Tám có chiều dài trên 7km, số lượng cây trồng trên vỉa hè là gần 1.100 cây, trong đó có 173 cây bàng, 103 cây sấu, 34 cây lộc vừng, 207 cây bằng lăng, 85 cây sữa, 52 cây xà cừ, 191 cây trứng cá… Nguyên nhân chính là đa số các cây này do người dân tự trồng từ lâu, một số không thuộc danh mục cây trồng đường phố vì gây mất vệ sinh môi trường (rụng nhiều lá, quả), thiếu an toàn trong mùa mưa bão nên cần phải thay thế. Theo đại diện Ban Dịch vụ công ích T.P Thái Nguyên, dù đã giảm nhiều so với trước nhưng tình trạng xâm hại cây xanh đường phố vẫn xảy ra do ý thức của một bộ phần người dân chưa tốt.
Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên chăm sóc thảm cỏ trong khuôn viên Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh.
Hiện trạng cây xanh đô thị của T.P Sông Công cũng có nhiều nét tương đồng với T.P Thái Nguyên. Đó là việc thiếu đồng bộ về chủng loại cây trên cùng một tuyến phố, khoảng cách, kích cỡ các cây cũng thiếu đồng nhất gây khó cho công tác quản lý, duy trì chăm sóc và cũng thiếu mỹ quan. Theo báo cáo, thành phố luôn thiếu nguồn lực để trồng thay thế, trồng mới đồng loạt và chăm sóc cây xanh đô thị, đồng thời cũng chưa có nguồn lực để xây mới công viên.
Trong khi đó, đô thị trẻ Phổ Yên dù có những yếu tố thuận lợi hơn trong phát triển cây xanh đô thị do được quy hoạch, đầu tư khá bài bản từ đầu nhưng việc thiếu nguồn lực đang là trở ngại khá lớn. Anh Ngô Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị T.X Phổ Yên cho biết: Tổng diện tích cây xanh đô thị trên địa bàn hiện có gần 2 triệu m2, đạt bình quân 7,91m2/người, riêng khu vực nội thị đạt 4,45m2/người. Vài năm gần đây, thị xã đầu tư trồng mới đồng loạt cây xanh tại một số trục đường nội thị, nhất là tuyến Quốc lộ 3 cũ chạy qua địa bàn. Theo quy hoạch, tại các tuyến đường “xương cá” đã và sẽ xây dựng, thị xã sẽ trồng đồng loạt trên mỗi tuyến một loạt cây. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch đó cần nguồn vốn không nhỏ nên thị xã xác định đầu tư từng bước và đề nghị được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh…
Trở lại câu chuyện với Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, ông khẳng định việc xây dựng một quy hoạch riêng về phát triển cây xanh đô thị là rất cần thiết. Quy hoạch luôn phải đi trước một bước, dù nguồn lực có thiếu thì làm từng bước chứ nếu không có quy hoạch hoặc quy hoạch lỗi thì sau này sẽ rất khó sửa. Trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế thì chính quyền cần tăng cường vận động, khuyến khích người dân và các tổ chức tham gia trồng, chăm sóc cây xanh và có thể coi đó là một tiêu chí để xét gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa. Việc lựa chọn trồng các loại cây đô thị phù hợp nhất và đảm bảo mỹ quan nên được tham vấn kỹ càng ý kiến của các nhà khoa học. Có như vậy hệ thống thảm thực vật đô thị mới phát huy tốt giá trị về sinh thái và cảnh quan.