Những năm gần đây, Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo về, chăm sóc trẻ em. Tổng kinh phí triển khai các nội dung liên quan đạt gần 18,5 tỷ đồng. Từ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh, hàng nghìn lượt trẻ em con hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, tặng quà.
12 tuổi, bé Nguyễn Văn Khánh đã có 10 năm làm con của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Khánh được đội ngũ cán bộ Trung tâm nhắc nhiều, bởi bé từng hai lần bị người thân chối bỏ trách nhiệm. Lần một là bố mẹ đẻ; lần hai à bố mẹ nuôi. Và bé trở thành thành viên của Trung tâm như một sắp đặt của tạo hóa.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (CSTE) tỉnh chia sẻ: Mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến trẻ em, mà những “thiên thần bé nhỏ” như Khánh trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mất môi trường nuôi dưỡng. Rồi vì khoảng cách giàu - nghèo quá lớn trong xã hội cũng là nguyên nhân để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó tiếp cận được các dịch vụ xã hội.
Với mục đích hạn chế tới mức thấp nhất những hiện tượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tỉnh đã có nhiều giải pháp can thiệp hữu hiệu thông qua các hoạt động bảo vệ, CSTE. Tạo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt một điểm tựa vững chãi trong đời sống vật chất, tinh thần, giúp những “thiên thần không may mắn” cơ hội vươn lên trong cuộc sống, học tập, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, CSTE. Qua đó tạo được sức mạnh tổng hợp, lan tỏa tinh thần trách nhiệm của mọi công dân đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị như: Công an, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Y tế, Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh... đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, lồng ghép nội dung trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa; cấp phát khoảng 50.000 tờ gấp, hàng nghìn cuốn sách về tiêu chí ứng xử trong gia đình; đồng thời tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh không sử dụng biện pháp bạo lực với trẻ em trong giáo dục.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trưởng Phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: Trong thời gian 5 năm gần đây, các cấp, ngành của tỉnh đã có hàng nghìn lượt cán bộ và cộng tác viên được tham gia lớp tập huấn vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em; về công tác bảo vệ, CSTE; Luật trẻ em; phương pháp nhận biết dấu hiệu trẻ em bị tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, bị bạo lực, bị lạm dụng tình dục, biện pháp can thiệp, tư vấn giúp các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Còn bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Hiện Trung tâm đã triển khai có hiệu quả mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt” tại các huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình, Đồng Hỷ. Nhờ đó đã có nhiều trẻ em không may mắn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình, góp phần giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của các em. Giúp các em ổn định tâm lý, sức khoẻ, học tập cho đến khi được kết nối để có cuộc sống ổn định lâu dài hoặc được nhận làm con nuôi.
5 năm gần đây, tỉnh đã dành nhiều các nguồn lực cho công tác bảo vệ, CSTE. Tổng kinh phí triển khai các nội dung liên quan đạt gần 18,5 tỷ đồng. Từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, hàng nghìn lượt trẻ em con hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, tặng quà và học bổng; hàng trăm trẻ em được mổ tim miễn phí, phẫu thuật mắt, hệ vận động, sứt môi, hở hàm ếch. Hàng nghìn lượt trẻ em được hỗ trợ phục hồi chức năng và được hỗ trợ đột xuất để chữa bệnh. Hàng nghìn lượt trẻ em được hỗ trợ gạo, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập và trao tặng sổ tiết kiệm. Nhiều trường hợp trẻ em bị mất môi trường nuôi dưỡng được chính quyền địa phương đưa vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Trường hợp chị Lý Thị Dung là một điển hình, từ một trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, học tập tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội trở thành một hộ lý của Trung tâm. Chị nói: Với mong muốn bù đắp cho những “thiên thần bé nhỏ” vơi bớt thiệt thòi, tôi luôn làm việc hết sức mình.
Nhìn những bé em vô tư, hồn nhiên ngọng ngịu cùng cô tập hát bài “Cả nhà thương nhau”, lòng tôi nghẹn lại một nỗi niềm: Ở phía sau cuộc sống vốn dĩ bình yên luôn tồn tại một nẻo khuất, bởi còn đó những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội.