Do thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu đất sản xuất, bị khuyết tật, là người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... nên họ trở thành người yếu thế trong xã hội. Để giúp người yếu thế có cuộc sống ổn định hơn, Nhà nước đã có nhiều quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, trong đó có việc đào tạo nghề (ĐTN). Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ 10 năm gần đây, Dự án ĐTN được triển khai trên toàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt với người yếu thế, nhờ tham gia các lớp ĐTN họ có nghề mới, hoặc tự tạo được việc làm tăng thu nhập ngay ở nơi mình sinh sống. Trong thời gian 5 năm gần đây, trên toàn tỉnh có gần 20.000 lao động nông thôn được tuyển sinh và ĐTN, trong đó hơn 7.800 người học nghề phi nông nghiệp; hơn 12.000 người học nghề nông nghiệp. Trong triển khai thực hiện Đề án ĐTN, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên, tạo thuận lợi cho người yếu thế được tiếp cận với các thông tin liên quan về nghề học, về thị trường lao động và về đầu ra cho sản phẩm.
Từ năm 2016 đến nay, tại 178 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị và thành phố có 13.262 lao động nữ; 222 người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 6.519 người dân tộc thiểu số; 1.103 người thuộc hộ nghèo; 288 người thuộc diện bị thu hồi đất canh tác, đất kinh doanh; 570 người khuyết tật; 1.036 người thuộc hộ cận nghèo được tham gia các lớp ĐTN.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, người gắn bó với đề án đào tạo nghề nhiều năm đúc kết: Tốt nghiệp lớp học nghề, nhiều người yếu thế tự thay đổi được chính mình. Kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến tiến và kinh nghiệm sản xuất tạo cho họ có tố chất tích cực mới, giúp họ đủ sức vượt qua rào cản tự ti của bản thân, và tự tin vượt khó, dám đầu tư trong làm kinh tế, vượt khó, xóa nghèo.
Giờ học cắt, may được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên tổ chức tại huyện Đại Từ.
Thực tế trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện xóa giảm nghèo - ĐTN cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Đề án ĐTN cho nông dân của tỉnh cho biết: Giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo đã giảm từ gần 20.000 hộ năm 2016 xuống còn hơn 8.500 hộ hiện nay. Đặc biệt trong đó có 322 hộ thoát nghèo nhờ trong nhà có người tham gia các lớp ĐTN... Vâng! Dự án ĐTN cho nông dân, trong đó có ĐTN cho người yếu thế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Hơn thế, chủ trương ĐTN cho lao động nông thôn không dừng lại ở việc đặt vào tay người nông dân chiếc cần câu, mà trực tiếp góp phần quan trọng trong thực hiện nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, phù hợp với thị trường lao động trong và ngoài nước. Nếu như đầu năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 58,1%, trong đó 25,4% có văn bằng, chứng chỉ; thì năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 30,5% có văn bằng, chứng chỉ.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Sau tham gia các lớp ĐTN, có hơn 12.000 lao động nông thôn có việc làm, và khoảng 1/3 trong số đó là người yếu thế. Chị Triệu Thị Hồng, xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) cho biết: Tôi là người dân tộc Dao. Năm 2019 tôi tham gia lớp học nghề may công nghiệp. Sau đó được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên tuyển dụng vào làm việc, với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhờ có việc làm mới, thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo...
Ông Ma Văn Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Chấn cho biết: Năm 2020, xã có 3 lớp ĐTN được mở mới, gồm lớp may công nghiệp, lớp chế biến nấu ăn và lớp chăn nuôi thú y, với tổng số 105 học viên... Tại lớp may công nghiệp, chị Hoàng Thị Tấu, dân tộc Mông cho biết: Nhà tôi ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai). Từ nhà đến lớp học hơn 30km, nhiều hôm phải mang theo cả con nhỏ. Vất vả, nhưng được chồng khuyến khích: Ở nhà, đào bới đất mãi không hết nghèo, “mày” mang xe máy đi học cho đúng giờ, sau còn có cơ hội đi làm công ty, mang tiền lương về cho “tao” mua cây trồng rừng, làm lại nhà ở.
Về huyện Đại Từ, đến xóm Khuôn 2, xã Phục Linh, chúng tôi được bà Đào Thị Thức, Chủ nhiệm HTX Chè an toàn Phục Linh chia sẻ: Năm 2016 tôi tham gia lớp chế biến chè xanh, chè đen. Lớp do Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tổ chức đào tạo. Ngoài kỹ thuật sản xuất, chế biến chè, chúng tôi còn học được kỹ năng tổ chức sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Và qua lớp ĐTN, chúng tôi đã liên kết lại thành HTX, với 20 thành viên để cùng xây dựng thương hiệu chè. Hiện HTX Chè an toàn Phục Linh đã có sản phẩm đạt giá 2 triệu đồng/kg và được thị trường chấp nhận. Một số hộ của HTX đã thoát nghèo nhờ làm chè chất lượng cao…
Đến xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên), chúng tôi được chứng kiến một lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật, do Trung tâm Dạy nghề người tàn tật Thái Nguyên tổ chức. Một lớp học đặc biệt dành cho những người không có cơ thể lành lặn hoặc tinh thần bất bình thường. Chị Lê Thị May, giáo viên dạy nghề cho biết: Tôi đã dạy nghề chăn nuôi, thú y cho hàng trăm người tàn tật. Họ nhìn tôi như một tấm gương, và tôi cố gắng giúp họ “tỏa sáng” bằng cách giúp mỗi người biết lao động sản xuất khoa học, hiệu quả… Còn ở lớp ĐTN may công nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai, chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên dạy nghề (Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên) cho biết: Đồng bào các dân tộc vùng cao có đức tính cần cù, chịu khó, nhưng vì thiếu đất sản xuất, nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Vì thế tôi giúp họ có nghề may mặc. Có nghề, họ có cơ hội tìm việc làm mới, hoặc tham gia xuất khẩu lao động, mang tiền công về cho gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, giảm nghèo bền vững.
Mỗi người cần có một nghề để sống - nhiều người yếu thế sau tham gia các lớp ĐTN, đã có nghề mới, hoặc làm nghề cũ nhưng thu nhập tăng cao hơn. Và cùng thời gian, nhiều người được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt có không ít người tàn tật không chỉ tự lo được cuộc sống kinh tế cho bản thân, gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.