Nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động

11:38, 11/11/2020

Những tháng đầu năm, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 9,58% so với cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp Nhà nước giảm 4,03%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,88%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,12%. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các đơn vị doanh nghiệp, người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, tư vấn việc làm. chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp, người lao động.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Qua kết quả thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2020 tại các huyện, thành phố và thị xã, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động có thời hạn, phải chuyển địa điểm hoạt động kinh doanh hoặc chủ động làm thêm các mảng ngành nghề kinh doanh khác để trụ lại, tìm cơ hội mới. Đến đầu tháng 10, trên địa bàn tỉnh có hơn 800 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm dừng, dừng hẳn hoạt động; gián đoạn hoạt động. Theo đó là có hơn 10.000 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng trực tiếp do mất việc làm; tạm hoãn hợp đồng; phải giãn việc; nghỉ luân phiên.
 
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về chính sách, pháp luật lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ trên địa bàn. Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng phòng Thông tin Thị trường cho biết: Hậu dịch COVID - 19 làm số NLĐ bị mất việc làm tăng đột biến so với các năm trước đây. Trong khi cả giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2019, Trung tâm tiếp nhận 32.815 hồ sơ của NLĐ đề nghị hưởng BHTN. Riêng năm 2019 có 7.738 trường hợp đề nghị hưởng BHTN, thì trong 10 tháng đầu năm 2020 có hơn 10.000 trường hợp đề nghị hưởng BHTN. Công việc của Trung tâm cũng trở nên bộn hơn. Để NLĐ, đặc biệt với lao động thất nghiệp, người ở xa không phải đi lại nhiều lần, không phải chờ đợi lâu khi làm các thủ tục hành chính cần thiết, cán bộ Trung tâm đã tập trung làm việc cao độ, thậm chí tự nguyện làm việc thêm ngoài giờ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong thời gian 10 tháng của năm 2020, Trung tâm đã cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học cho hơn 37.500 lượt NLĐ, đạt 150% kế hoạch năm, trong đó có gần 32.000 lượt NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; 100% các trường hợp bị mất việc làm được cán bộ Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và nghề học phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực. Và thông qua các sàn giao dịch việc làm, hơn 1.250 NLĐ được giới thiệu việc làm, trong đó có 815 NLĐ đang hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Qua thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có gần 1.400 NLĐ được giới thiệu và được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc; 76 NLĐ có Quyết định hỗ trợ học nghề. Trung tâm cũng đã tiếp nhận hồ sơ và đề nghị giải quyết chế độ BHTN cho 7.131 người (đạt 119% kế hoạch, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019). Trung tâm cũng đã thẩm định, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 6.700 người, với số tiền đề nghị trợ cấp 102 tỷ đồng. Ông Đạt cho biết thêm: Hiện Trung tâm đang quản lý hồ sơ, theo dõi và giải quyết thủ tục hưởng các chế độ BHTN cho hơn 3.500 người lao động/tháng.
 
Một thuận lợi với NLĐ là trong triển khai, thực hiện BHTN, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 61/2020 có hiệu lực từ 15/7/2020). Nghị định quy định giảm một số các tiêu chí, điều kiện chưa phù hợp để người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN. Theo đó đối tượng là NLĐ đang đóng BHTN được mở rộng; thủ tục hành chính được đơn giản hóa. NLĐ sẽ không bắt buộc phải nộp bản chính, hoặc bản sao có chứng thực, hoặc giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc, mà có thể nộp bản phô tô không qua công chứng. Do đó NLĐ thất nghiệp không phải đi lại nhiều “cửa” để chứng thực giấy tờ, cũng không phải mất tiền lệ phí chứng thực. NLĐ không còn “cảm giác” bị phiền hà, sách nhiễu, cả doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng nặng lề do dịch COVID - 19 cùng được hưởng BHTN kịp thời, đúng với các quy định của Nhà nước. Qua đó góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống, bù đắp một phần thu nhập của người sử dụng lao động và NLĐ bị mất việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.