Nhịp cầu kết nối thiện nguyện

17:37, 09/11/2020

“Sống đẹp”! Đó là câu trả lời ngắn gọn nếu như ai đó hỏi tôi miêu tả ngắn gọn mà đủ ý nhất để nói về họ - những thành viên trong các câu lạc bộ (CLB) từ thiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Bởi, khi được tiếp xúc và chứng kiến những việc làm của họ, tôi càng tin hơn vào sự lành lẽ ở đời.

Hôm ấy là một ngày cuối tuần. Đầu Đông nhưng trời mưa lất phất, rét cắt da cắt thịt, tôi chăm người nhà đang nằm điều trị ở Bệnh viện A Thái Nguyên. Chưa đến 4 giờ sáng, tôi đã thấy rất đông người tập trung ngoài hành lang Bệnh viện. Thì ra đó là các thành viên của CLB Hoa Sen Vàng Thái Nguyên đang thực hiện Chương trình phát cháo dinh dưỡng và nước lọc miễn phí vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần cho Bệnh nhân đang điều trị tại đây. Sau khi sắp xếp khu vực phát cháo, các thành viên nhanh chóng toả về các khoa, phòng để thống kê số lượng bệnh nhân và phát phiếu nhận cháo, nước miễn phí. Những thành viên còn lại, người rửa xoong nồi, người chuẩn bị bếp, người vận chuyển đồ đạc từ xe xuống…
 
Như bầy ong chăm chỉ, đúng 6 giờ sáng, 3 nồi cháo thơm phức đã sẵn sàng phát đến tay người nhà và bệnh nhân. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm phục tấm lòng của các thành viên CLB. Trò chuyện thêm với các thành viên CLB, tôi được biết, để có được những nồi cháo thơm ngon, đủ dinh dưỡng, các thành viên đều phải tập trung chuẩn bị nguyên liệu từ hôm trước, đi chợ, sơ chế, bảo quản thực phẩm. Trước đó, họ còn phải tìm hiểu và học cách nấu cháo sao cho ngon, phù hợp với điều kiện sức khoẻ của người bệnh… Cứ như thế, đã hơn 5 năm kể từ ngày thành lập, trung bình mỗi tuần, CLB phát miễn phí từ 400 - 500 suất cháo dinh dưỡng miễn phí, phần nào làm ấm lòng những người đang trong cơn vần xoay của tật bệnh.
***
Chắc không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai khi chứng kiến sự lựa chọn khó khăn của cặp vợ chồng phải từ bỏ hy vọng sống mong manh của đứa con mới chào đời cũng khôn nguôi day dứt và ám ảnh. Đó là trường hợp của sản phụ Phạm Thị Dung ở xã Yên Đổ (Phú Lương). Chị Dung mang thai đôi, đến tuần thai thứ 37 bác sĩ phát hiện thai chậm phát triển trong tử cung và lập tức mổ cấp cứu. Hai em bé chào đời lần lượt có trọng lượng 1,5 và 1,7 kg, vô cùng yếu ớt. Bé nặng 1,5 kg lại được xác định thoát vị hoành cần được mổ cấp cứu ở tuyến trên càng sớm càng tốt mới có hy vọng sống. Nhưng do nhà quá nghèo, vợ chồng sản phụ đành chấp chấp nhận từ bỏ cơ hội sống cho con trong nỗi đau đến xé lòng. Biết chuyện, các thành viên trong CLB Minsk Thái Nguyên đã kêu gọi sự giúp đỡ và chuyển được mẹ con sản phụ Dung về Bệnh viện Nhi Trung ương để giành lại cơ hội sống cho cháu bé. Và đó chỉ là một trong số hàng trăm hoàn cảnh éo le đã được CLB của những người yêu thích xe Minsk đã làm với mong muốn phần nào chia sẻ xoa dịu nỗi đau trong lòng người hoạn nạn…
                                                                                                     ***
Trực tiếp cùng đi với CLB Nụ Cười Của Em trong hành trình kết nối yêu thương đến với các học sinh Trường Tiểu học Ôn Lương (Phú Lương), tôi thực sự bị lôi cuốn bởi sức trẻ và sự nhiệt huyết của các thành viên CLB. Ở đây, chúng tôi chứng kiến hình ảnh bà Nguyễn Thị Lâu có cháu là Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Ôn Lương sụt sùi lấy tay áo quệt nước mắt. Bà bộc bạch: Cháu nó thiếu thốn tình cảm của bố mẹ từ nhỏ, chỉ có bà nhưng bà lại nghèo quá. Lúc nào nó cũng chỉ ao ước có cái xe đạp để đi học, có bộ cờ vua be bé để chơi mà tôi không sao đủ tiền mua cho cháu được. Hôm trước, có mấy cô, chú trong CLB đến nhà chơi, nói chuyện với cháu. Tôi không tưởng tượng được hôm nay cháu nó được tặng cả xe đạp mới, bàn học, đèn học lại còn được tặng cả bộ cờ vua mới tinh. Đứng bên cạnh bà, bé Long ôm chặt bộ cờ vua trong lòng, níu tay bà luôn miệng “bà ơi con có bộ cờ vua rồi này, bà ơi con có rồi, con có thật rồi…”.
 
Học sinh được hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh các nguy cơ đuối nước, điện giật, ngộ độc thực phẩm.
 
Trong mỗi mỗi hành trình trao gửi yêu thương như thế, CLB Nụ Cười Của Em không chỉ tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của các nhà trường học bổng, xe đạp, bàn học, đèn ngủ, vở viết mà còn trang bị cho các em kỹ năng sống an toàn. Bằng cách truyền đạt dí dỏm, ngắn gọn, dễ hiểu, các tình huống giả định gần gũi, đời thường, các thành viên CLB đã giúp các em có những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ đuối nước, điện giật, ngộ độc thực phẩm… Các món quà trong mỗi chuyến hành trình của CLB thường không giống nhau, khi là con búp bê, những quả bóng da, giày dép, cặp sách, những chiếc kẹp tóc nhỏ xíu xinh xinh hoặc như bộ cờ vua của bé Long. Chúng được các thành viên CLB gọi tên là “món quà mơ ước” bởi đó chính là ước mơ của các em mà các thành viên CLB biết được trong những lần đi khảo sát thực tế. 
 
Có thể thấy, những năm gần đây, các hoạt động từ thiện, đặc biệt là hướng đến những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã và đang trở thành phong trào có sức hút mạnh mẽ với đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ. Cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều CLB, nhóm tình nguyện với những hoạt động sôi nổi, đầy nhiệt tâm cống hiến cho cộng đồng. Có thể điểm tên một số CLB, nhóm, hội đã tạo được niềm tin và có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng như: CLB Từ thiện Thái Nguyên, CLB Nụ Cười Của Em, CLB Hoa Sen Vàng, CLB Từ thiện Đất Thép; CLB Minsk Thái Nguyên, Hội Oto Fun Thái Nguyên, Nhóm Cho Bạn Cho Tôi, Nhóm cơm 5K… Dù các nhóm, hội, CLB đều có tiêu chí hoạt động riêng xong đều hướng tới mục tiêu thiện nguyện. 
 
Các hội, nhóm từ thiện đều có đặc điểm chung là có số lượng thành viên khá đông, hoạt động trên tinh thần cộng đồng đa kết nối. Cùng với đó, mọi hoạt động liên quan đến thiện nguyện đều được công khai thông tin trên các trang mạng xã hội. Nhiều hội, nhóm đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện và tạo được uy tín với cộng đồng. Ngay cả cách thức làm từ thiện của nhiều hội, nhóm cũng có những sự sáng tạo hướng tới mục tiêu trao đi nhiều giá trị nhân văn hơn là dừng ở việc thực hiện một phong trào.