Ô nhiễm môi trường không khí ở Thái Nguyên: Không đến mức báo động

09:12, 13/11/2020

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí của Thái Nguyên (được công bố trên phương tiện trên phương tiện thông tin đại chúng). Trong đó khẳng định Thái Nguyên đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, qua đánh giá của cơ quan chức năng và tìm hiểu của chúng tôi, kết quả trên chưa phản đúng và toàn diện về môi trường không khí trên địa bàn tỉnh…

Kết quả quan trắc môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí PAM Air công bố, sau đó chuyển cho một số cơ quan báo chí đăng tải. Kết quả này cho thấy, Thái Nguyên có chất lượng không khí ô nhiễm cao nhất, với chỉ số AQI lên đến 178 (đứng đầu cả nước), sau đó đến tỉnh Hưng Yên (163), Thái Bình (152). Với kết quả này, chất lượng không khí của Thái Nguyên ở mức xấu, có hại cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc quan trắc đánh giá chất lượng môi trường này được thực hiện như thế nào, đơn vị nào, độ chính xác, độ tin cậy ra sao thì không nhiều người nắm được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả được lấy từ Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí PAM Air. Đây là Dự án do Công ty khởi nghiệp công nghệ D&L và Trung tâm sáng tạo về Internet vạn vật thực hiện từ tháng 2-2019 ở 150 điểm đo tự động. Tuy nhiên, thiết bị này nhỏ gọn, cơ quan chức năng chưa có đánh giá chất lượng, chứng nhận. Đây cũng chỉ là dự án khảo sát mang tính chất thử nghiệm, thiết bị chỉ thực hiện đo chỉ số về PM2.5 (loại hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) chứ không đo tất cả các chỉ số thành phần còn lại của không khí. Việc lắp đặt thiết bị đơn giản, không yêu cầu nhiều về vị trí và việc hiệu chỉnh thiết bị được thực hiện 1 lần/năm. Còn đối với thiết bị quan trắc môi trường không khí mà cơ quan chức năng đang thực hiện, đo và đánh giá 7 chỉ số, gồm: NOX, SO2, PM-10, PM-2-5, NO, NO2, CO.

Tại Thái Nguyên, hiện nay có 1 trạm quan trắc môi trường không khí tự động đặt tại phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), cứ 5 phút lại gửi kết quả về trung tâm 1 lần. Theo kết quả quan trắc về chất lượng không khí mà Trạm này thực hiện thì tại khu vực T.P Thái Nguyên, từ tháng 7 đến nay chưa có thời điểm nào chỉ số AIQ lên đến mức 178. Trong tháng 7, hầu hết kết quả quan trắc không vượt mức quy chuẩn. Trong ngày 12-11, lúc 0 giờ, các chỉ số SO2: 13,43/350µ/m3; NO2: 48,54/200 µ/m3; PM2.5 106,06µ/m3. Đến 11 giờ cùng ngày, các chỉ số đã thay đổi mạnh: SO2 23,80/350µ/m3; NO2: 15,39/200µ/m3; PM2.5: 51,85µ/m3. Chỉ số AIQ từ 122 - 90 (ảnh hưởng đến sức khỏe không tốt cho các nhóm nhạy cảm).

Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Kết quả các chỉ số thành phần của không khí luôn thay đổi, tăng đột xuất cũng do nhiều yếu tố thời tiết, thời điểm. Ví dụ, gió quẩn gây bụi, thời điểm lượng xe có phát sinh khí thải đi lại nhiều thì chỉ số thành phần ô nhiễm sẽ tăng. Kết quả chỉ số do nguồn Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí của PAM Air không đánh giá một cánh toàn diện chất lượng không khí của tỉnh Thái Nguyên, nó chỉ mang tính chất cục bộ. Đó là chưa nói đến chất lượng thiết bị. Để có đánh giá toàn diện về chất lượng không khí ở tỉnh thì phải thực hiện quan trắc ở nhiều địa điểm, địa phương khác nhau chứ không thể lấy 1 điểm để đánh giá toàn tỉnh…

Còn ông Trần Đình Hiếu, Quan trắc viên, Trạm Quan trắc tự động môi trường không khí tại T.P Thái Nguyên cho biết: Việc lắp đặt Trạm quan trắc yêu cầu rất cao về kỹ thuật, như: Vị trí thoáng mát, không bị che chắn bởi cây cối, địa điểm cao. Đặc biệt là việc hiệu chỉnh các thông số của thiết bị phải thực hiện đúng theo thời gian quy định thì kết quả quan trắc mới đảm bảo. Qua cập nhập kết quả chỉ số các chất thành phần thì không khí ở Thái Nguyên không đến mức báo động…