Sau hai tuần, khi cơn “Đại hồng thủy” đi qua, đồng bào miền Trung đã không còn phải oằn mình lên để chống lũ. Thế nhưng, một khung cảnh hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang cây cối, đất đá đang bao trùm mảnh đất vốn còn rất nhiều khó khăn này. Có dịp cùng Đoàn cứu trợ của Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh đến với vùng “tâm bão” Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi mới thấu hiểu những cơ cực của bà con và cảm nhận sâu sắc hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và ấm áp trong thẳm sâu mỗi người dân đất Việt.
Hoang tàn, xót xa, đó có lẽ là từ thích hợp nhất để miêu tả hình ảnh của miền Trung sau những cơn cuồng phong thịnh nộ của “Mẹ thiên nhiên”. Bởi những gì tai nghe, mắt thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng chỉ là rất nhỏ so với thực tế mà nhân dân nơi đây phải gánh chịu. Dù đã qua thời gian “tâm bão” đổ bộ, nhưng tại các tỉnh miền Trung những ngày này nước vẫn tràn ngập khắp cánh đồng, sân vườn. Và trời vẫn mưa bởi ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới. Xuôi theo dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, nơi “rốn lũ” ở tỉnh Quảng Bình chúng tôi thấy phần lớn người dân đều mất sạch tài sản, vật nuôi, cây trồng. Thậm chí nhà cửa cũng đổ sập hoặc hư hỏng đến mức không khôi phục lại được.
Bà Trần Thị An, 60 tuổi, thôn Mỹ Trạch, xã Lộc Thủy ngồi thất thần một mình trong căn nhà bị sập quá nửa, chỉ còn lại một gian chừng 10m2. Dù đã được chính quyền địa phương và các đoàn thiện nguyện đến cứu trợ nhưng khó khăn vẫn chồng chất với gia đình. Trên ban thờ vẫn còn bốn chậu hứng nước mưa. Khi được hỏi, bà nghẹn nghào kể: Tôi chưa thấy cơn bão ni lại mạnh dữ vậy, gió quật mạnh, cành cây lung lay, ngả nghiêng rồi gãy xuống, nước dâng nhanh từ bờ sông, ngập tới gần nóc nhà. Dù đã có chuẩn bị trước nhưng tôi vẫn trở tay không kịp, toàn bộ tài sản, lúa gạo trong nhà hư hỏng hết. May mắn được đội cứu hộ địa phương đưa chạy lũ và các đoàn tình nguyện đến hỗ trợ lương thực nên tạm thời vượt qua khó khăn.
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh trao tiền hỗ trợ cho bà Trần Thị An, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Cách đó không xa là gia cảnh của anh Trần Hữu Diệu, thôn An Xá. Anh Diệu kể, vợ chồng anh cưới nhau được gần 4 năm nay, cố gắng mãi mới dựng được gian nhà để ở. Nhưng trận lũ lịch sử năm nay đã khiến căn nhà hư hỏng nặng, sau 1 tuần khắc phục, giờ anh mới làm lại được chỗ ngủ tạm. Giọng anh như lạc đi: Cơn lũ năm 2016 đã cướp đi người con của tôi. Hai năm sau đó, do vợ bị tai nạn giao thông, đứa con chuẩn bị lọt lòng cũng rời bỏ vợ chồng tôi. Đau đớn, suy sụp nhưng vợ chồng anh luôn động viên nhau gắng gượng tiếp tục cuộc sống. Không chỉ thiệt hại nhà cửa, đồ đạc mà cơn bão làm tiêu tan đi nguồn sinh kế chính của người dân. Chị Trần Thanh Hương xã Mỹ Thủy cho biết: Toàn bộ hơn 4.500 con gà, gần 20 con lợn đến kỳ xuất bán của gia đình chị đã bị lũ cuốn trôi sạch, thiệt hại hơn 400 triệu đồng, giờ tôi không biết trông cậy vào đâu để trả nợ ngân hàng và nuôi con ăn học.
Đoàn cứu trợ mượn xe máy vận chuyển gạo tặng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy thông tin: Trận bão lũ lần này khiến 1.200/1.600 hộ dân toàn xã ngập sâu trong nước, gần một hộ nửa trong số đó bị hư hỏng nhà cửa, nhiều vật nuôi, hoa màu bị lũ cuốn trôi, gây tổng thiệt hại toàn xã là 120 tỷ đồng. Có lẽ sau đận này, nhiều hộ lại rơi vào cảnh nghèo khó.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung cũng khiến nhiều trường học ngập sâu, thiết bị dạy học hư hỏng, sách vở bị vùi lấp, cuốn trôi. Dù cố gắng khắc phục hậu quả sau lũ, song đến nay một số trường học sinh vẫn chưa thể đến lớp. Cô giáo Phạm Thị Tằm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy bộc bạch: Lũ ngập sâu, kéo dài trong gần 10 ngày khiến dãy nhà cấp 4 gồm 11 phòng của trường bị hư hỏng nặng không thể sử dụng được. Suốt gần hai tuần nay các thầy cô vừa phải dọn dẹp gia đình vừa đến trường quét dọn để các em sớm được đến trường. Tuy nhiên, hiện có gần 100/386 học sinh không đến trường được bởi nước lũ vẫn chưa rút hết.
Còn tại Trường Mầm non xã Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vẫn có nhiều phòng học chưa thể sử dụng được. Dẫn chúng tôi vào thăm phòng Y tế nhà trường còn bì bõm nước, cô giáo Hoàng Thị An, Phó Hiệu trưởng Nhà trường kể: Hệ thống mái che bị hư hỏng, sửa sang lại cũng mất khoản kinh phí lớn nên trước mắt các cô giáo chỉ biết kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giúp. Nhìn những dãy tường rào xây bằng gạch, trụ giằng bê tông bị vỡ vụn, đổ sập, hàng loạt đồ dùng học tập, giá đựng đồ dùng cá nhân, tập vở, đồ chơi…hư hỏng mà nhiều cô giáo không cầm được nước mắt....
Trên chặng đường của Đoàn, trời thỉnh thoảng lại mưa nặng hạt, đường đến một số điểm hỗ trợ cũng ngập trong nước hoặc đầy bùn lầy. Thế nhưng, chúng tôi ai cũng ấm áp bởi dù mưa, bởi khó nhọc cũng không ngăn nổi những đoàn từ thiện đang tấp nập chở hàng và trao quà cho bà con. Ấm áp bởi tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, bởi nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn. Niềm tin ấy càng được củng cố bởi trên suốt quãng đường chúng tôi qua các trạm thu phí đều miến phí vé cho các toàn bộ đoàn xe cứu trợ, khi thấy sự san sẻ quà cứu trợ của chính người dân ở những điểm khó khăn, sự căng mình giúp dân của tất cả các lực lượng vùng lũ. Trong gian khó người miền Trung không hề đơn độc, bởi luôn có triệu triệu trái tim cùng hướng về hỗ trợ, chia sẻ khó khăn.
Dịp này, tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều đoàn đến với bà con vùng lũ như Tỉnh đoàn, Câu lạc bộ Chia sẻ là hạnh phúc huyện Đại Từ, CLB Kết nối yêu thương, Chùa Hộ lệnh (Phú Bình)…với tổng số tiền, hàng cứu trợ đến gần 2 tỷ đồng.
Riêng Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh đã đến thăm và tặng quà động viên cho các trường học, học sinh, sinh viên và người dân bị thiệt hại do bão lũ tại 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Cụ thể tại tỉnh Quảng trị, Đoàn đến thăm và trao tiền mặt, quà trực tiếp cho 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tiền hỗ trợ cho 100 người dân, 4 trường tiểu học, trung học và mầm non; trao học bổng cho 10 sinh viên nghèo vượt khó với trị giá 170 triệu đồng. Tại tỉnh Quảng Bình, Đoàn trao 90 suất quà, hỗ trợ tiền mặt, quà trực tiếp cho 4 hộ dân bị thiệt hại nặng do bão lũ; 1 trường mầm non tổng trị giá 150 triệu đồng.
Đồng chí Dương Thị Giang, Phó Bí thư Thường trực Đoàn khối các cơ quan tỉnh chia sẻ: Có đến đây mới thấy cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn, ảnh hưởng của mưa bão lần này càng khiến cuộc sống của họ thêm vất vả, cơ cực hơn. Số tiền hỗ trợ tuy không thấm vào đâu nhưng đó là tình cảm, sẻ chia động viên để họ có thêm động lực sớm ổn định cuộc sống.
Chia tay miền Trung thân yêu, Đoàn chúng tôi mang theo tình cảm lưu luyến của nhiều cán bộ, thầy cô giáo và ánh mắt nụ cười hy vọng của người dân về ngày mai tươi sáng.