Thu qua, đông tới cũng là lúc các đôi uyên ương nóng lòng bước vào mùa cưới, bước vào tổ ấm hạnh phúc. Những ngày này, không khó để chúng ta bắt gặp những rạp cưới kết hoa rực rỡ, những chiếc xe bông ngược xuôi trên đường. Nói đến đám cưới là nói đến chuyện vui. Nhưng đôi khi cũng có không ít nỗi buồn, lo…
Từ chuyện lo tổ chức…
Từ xa xưa, người Việt vốn đã coi trọng lễ cưới, đó được coi là việc hệ trọng nhất của cuộc đời một người. Đám cưới không chỉ là gắn kết hai con người khác giới để duy trì nòi giống phù hợp với quy luật sinh tồn tự nhiên mà còn là sự bắt đầu, đặt nền tảng vững chắc cho mỗi gia đình, cho sự phát triển của xã hội. Vậy nên, cưới hỏi luôn được mỗi gia đình trân trọng, tổ chức chu đáo, cũng từ đây mà không ít tình huống dở khóc, dở cười phát sinh.
Mới lo chu toàn hỷ sự cho con trai duy nhất của gia đình, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) còn chưa hết lo lắng: Dẫu biết “ma chê, cưới trách” nhưng đám cưới là chuyện trọng đại cả đời nên cả tháng nay gia đình tôi tất bật lo chuẩn bị tài chính, địa điểm tổ chức, lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện, rạp cưới, bố trí người tiếp khách, xe dâu, tặng quà cưới cho cô dâu, chủ rể… Chỉ riêng chuyện mời cưới cũng cân đo đong đếm nên mời ai, cỗ đặt sao cho phù hợp với kinh tế gia đình vừa phải lịch sự, ngon miệng, nếu cỗ không ngon, cỗ thiếu, cỗ thừa cũng dễ bị chê cười…
Còn ông Phạm Ngọc Dũng, phường Lương Châu (T.P Sông Công) nói: Hai tháng nay gia đình tôi ngày nào cũng ngồi trên đống lửa, khi ngày lành tháng tốt đã chọn mà dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nếu dịch bệnh bùng phát thì chúng tôi chỉ có thể ngậm ngùi tổ chức đám cưới trong gia đình vì bọn trẻ đã lỡ “trót dại”.
Cưới nhau trong hoàn cảnh thu nhập không cao, giá cả lại leo thang nên cặp đôi Bùi Thị Thiên Lý - Nguyễn Hải Lam (công nhân tại Khu Công nghiệp Yên Bình) luôn ý thức phải chi tiêu thật tiết kiệm. Chị Lý cho biết: Giá thuê chụp ảnh cưới thấp nhất là 2,5 triệu đồng. Tiền thuê áo dài ăn hỏi, váy cưới, comple chú rể, trang điểm khoảng 1,5 triệu/ngày. Rồi còn tiền xe hoa, tráp hỏi, lễ đen, in thiệp mời… Đấy còn chưa kể khoản tốn kém nhất là tiệc cưới. Mâm cỗ 6 người giá chung bây giờ thấp nhất cũng vào 850 nghìn đồng/mâm. Tính ra để tổ chức một đám cưới trọn vẹn cũng tốn cả năm lao động vất vả của 2 vợ chồng.
…Đến nỗi lo mừng cưới
Sáng cuối tuần, vừa ra khỏi cửa nhà tôi đã nghe cô hàng xóm kể “sáng nay cô đi 2 đám cưới ở tổ dân phố, chiều chú lại đi một đám ở cơ quan”. Bởi cưới xin là chuyện trọng đại nên gia đình nào cũng lựa chọn ngày đẹp, giờ đẹp để tổ chức tiệc hỷ. Cũng bởi vậy mà có nhiều gia đình nhận được 4-5 thiệp mời cưới cùng một thời gian. Người được cầm thiệp vừa mừng, vừa lo. Mừng vì anh em, bạn bè còn trân quý, nhớ đến mình. Lo vì cả nhà phải cắt cử nhau đi, thậm chí “chạy sô” đi ăn cỗ. Nhưng nỗi lo lớn hơn là nỗi lo mừng cưới.
Chị Nguyễn Kim Oanh, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) tính: Từ đầu tháng đến giờ mình nhận được 7 thiệp mời. Ít thì mừng 300 ngàn, nhiều thì 500 ngàn đến 1 triệu, coi như là tháng này hết lương. Chưa kể có những đám cưới bạn bè, người thân ở, xa không đi không được mình lại phải xin nghỉ môt buổi làm để bắt xe đi ăn cưới. Còn anh Dương Hồng Minh, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) than thở: Nhiều người mình chỉ quen sơ sơ, gặp nhau chào xã giao đôi ba câu nhưng khi cưới họ vẫn gọi điện mời. Đi cũng dở mà không đi cũng dở, nên tôi đành phải gửi phong bì mừng theo phép lịch sự. Bây giờ tình trạng mời cưới ồ ạt, khách cốt đến ăn cỗ, uống chén rượu xong rồi về, thậm chí chẳng thấy gia chủ đâu, không biết mặt cô dâu, chú rể thật tẻ nhạt.
Nhịp sống xã hội đổi thay từng ngày, cùng với đó là hàng loạt đổi khác trong văn hóa cưới hỏi. Trút bỏ gánh nặng tiệc cưới, tổ chức một đám cưới văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm, ấm cùng, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và thuần phong mỹ tục của dân tộc chính là cách để chúng ta có một đám cưới trọn vẹn với những kỷ niệm đẹp bên người thân, gia đình và bạn bè.