Hàng trăm tài xế Grab đã tập trung tại trụ sở doanh nghiệp này rồi kéo đi nhiều nơi để bày tỏ sự phản đối với chính sách tăng giá và chiết khấu thuế VAT do hãng này đưa ra.
“Đối tác” kiểu “sống chết mặc bay”...
Sáng 7-12, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung rất đông trước trụ sở công ty (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đưa ra yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Tất cả các tài xế cùng tắt app nhằm gây sức ép với lãnh đạo công ty này phải ra làm việc với họ.
Các tài xế mang theo khẩu hiểu phản đối việc Grab tăng chiết khấu thuế VAT đối với họ. Bởi theo lý giải của cơ quan thuế là tăng VAT với xe công nghệ lên 10% sẽ không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế nhưng nhiều tài xế khẳng định chính sách tăng chiết khấu thuế VAT mà Grab vừa đưa ra đã ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt đối với chuyến đi ngắn cự ly 2 - 5km.
Để đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã cử lực lượng xuống khu vực ngõ 78 phố Duy Tân ngay trong sáng 7-12. Sau đó, do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông khu vực này đi lại gặp nhiều khó khăn nên Công an quận Cầu Giấy đã cử lực lượng đến nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự.
Đến trưa cùng ngày, do vẫn chưa thấy lãnh đạo Grab ra làm việc, các tài xế tiếp tục kéo nhau lên trụ sở Đài Truyền hình Việt Nam tại 43 Nguyễn Chí Thanh để bày tỏ sự bất bình của mình về chính sách tăng chiết khấu thuế VAT mà Grab mới đưa ra với cơ quan truyền thông.
Các tài xế kéo nhau lên tận Đài Truyền hình Việt Nam. (Ảnh: Hữu Công).
Tài xế Bùi Tiến Thành (quê Yên Bái) bức xúc cho biết, việc tăng chiết khấu thuế VAT mà Grab vừa đưa ra chẳng khác nào “đục thủng” nồi cơm của các tài xế. Bởi trước nay những tài xế như anh Thành đã phải chịu chiết khẩu rất nhiều về hãng, cộng thêm tiền xăng xe, ăn trưa, số tiền thực thu của họ chưa được một nửa công sức họ bỏ ra hàng ngày.
Anh Thành cũng “tố” Grab không có bất cứ chương trình hỗ trợ gì cho các tài xế ngay từ khi họ trở thành “đối tác” của nhau. “Từ thuế VAT đến giày dép, đồng phục... thứ gì Grab cũng bắt tài xế chúng tôi phải tự bỏ tiền ra mua” - anh Thành nói và cho rằng, mang tiếng là “đối tác” của nhau nhưng Grab chỉ suốt ngày tập trung vào việc thu tiền về túi còn với các tài xế thì Grab mặc kệ theo kiểu “sống chết mặc bay”.
“Cơn bão” được dự báo trước
Trước đó, ngày 5-12, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab đã tăng giá 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi kilomet (sau 2km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Phản ứng của các tài xế Grab là điều được dự báo từ trước khi hãng xe công nghệ này đột ngột tăng giá cũng như tăng chiết khấu thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) lên chính các đối tác của mình. Dù trước đó, theo lý giải của cơ quan thuế là tăng VAT với xe công nghệ lên 10% sẽ không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế song nhiều tài xế khẳng định bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách mà Grab vừa áp dụng.
Nhiều tài xế cũng cho biết, việc công ty Grab Việt Nam tăng mức chiết khấu của tài xế và tăng giá cước của khách hàng khiến họ bức xúc và lo lắng. Cho rằng điều này sẽ giảm thu nhập của họ - một nghề vốn đã rất vất vả và lo lắng rằng sự cạnh tranh giữa các tài xế sẽ tăng lên do giá cước của khách hàng cũng tăng, điều này làm cho nhiều khách hàng từ bỏ sử dụng Grab chuyển sang Bee hay Gojek, thậm chí là quay trở lại xe ôm truyền thống.
Tại một số hội nhóm trên mạng xã hội facebook nhiều tài xế còn đề nghị xóa hẳn ứng dụng và đình công một thời gian dài.