100% người có công với cách mạng (NCC) được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ cao nhất. 100% NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. 100% xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Các chế độ, chính sách đối với NCC và thân nhân NCC được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đó là những thông tin ấn tượng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cán bộ, nhân dân huyện Phú Lương.
Chiến tranh đã lùi về quá vãng, nhưng di hại của chiến tranh còn đeo bám vào bao phận người. Tôi nói như thế bởi hậu chiến, Phú Lương cũng như bao địa phương khác trên đất nước từng đi qua hai cuộc chiến tranh và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, có những Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVT), các thương binh, nạn nhân chất độc da cam… Tuổi thanh xuân, sức khỏe và một phần máu thịt của bao người đã dâng hiến để giành lấy hòa bình, độc lập dân tộc. Bởi lẽ ấy, việc chăm sóc NCC và gia đình họ là nghĩa cử tri ân, xây tạo đạo đời được các cấp, ngành và mọi người dân quan tâm, chung tay chia sẻ.
Ông Trịnh Kim Thủy, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương cho biết: Toàn huyện có 1.204 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm: Mẹ Việt Nam Anh hùng; cán bộ tiền khởi nghĩa; Anh hùng LLVT; thân nhân liệt sĩ; thương binh; bệnh binh; người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, các đối tượng hưởng tuất hàng tháng - Họ là những NCC với dất nước, và luôn được các cấp, ngành và mọi người dân quan tâm, chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất, tinh thần. Cũng bởi thế mà hầu hết NCC và thân nhân NCC yên tâm, tích cực tham gia các phong trào do Đảng, Nhà nước phát động và có lối sống lành mạnh, gương mẫu.
Để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần NCC, huyện Phú Lương đã huy động được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Nhiều phong trào lớn đã thẩm thấu vào đời sống xã hội, như: Hỗ trợ NCC về nhà ở, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ…
Trong thực hiện chế độ chính sách và hỗ trợ người có công và thân nhân NCC, giai đoạn 2017-2020, huyện Phú Lương đã xác định, công nhận mới 7 đối tượng là thương binh và 15 đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Chi trả trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đúng kỳ hạn cho hơn 5.000 lượt người, với tổng số tiền gần 116 tỷ đồng, trong đó chi trả phụ cấp, trợ cấp hằng tháng cho 4.961 lượt người; trợ cấp 1 lần cho 29 người và hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, tết cho 45 lượt người. Riêng năm 2020, trên địa bàn huyện có 1.069 lượt NCC được nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng dịch COVID -19 của Chính phủ, với tổng số tiền gần 1 tỷ 673 triệu đồng.
Đội trời đầy nắng hanh về xã Cổ Lũng, chị Phạm Mai Trang, công chức văn hóa xã đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Chu Văn Thắng. Ông Thắng phấn chấn nói: Chính quyền địa phương luôn dành cho NCC những quan tâm ưu ái đặc biệt, kể từ việc tặng quà ngày lễ, Tết cho gia đình đến việc ưu tiên cho con cháu được học hành… Đến xóm Làng Phan, chúng tôi vào thăm ngôi nhà mới của gia đình CCB, thương binh, nạn nhân chất dộc da cam Hoàng Văn Sinh. Ông Sinh mộc mạc: Nhiều lần tôi cận kề với cái chết. Hiện, tôi bị cắt mất 3,5m ruột, sức khỏe kém, kinh tế khó khăn. Năm 2016, tôi được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện hỗ trợ 40 triệu đồng; Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Phú Lương hỗ trợ 10 triệu đồng; anh em học mạc, bạn đồng ngũ, bà con chòm xóm giúp đỡ thêm, năm 2017, tôi đã được an cư trong ngôi nhà mới xây chắc chắn.
Bằng các nguồn hỗ trợ từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện; tiền hỗ trợ làm nhà cho NCC theo Quyết định số 22 của Chính phủ và nhân dân trong vùng chung tay ủng hộ, đến nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có 514 gia đình NCC được hỗ về nhà ở, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng, trong đó 492 hộ được hỗ trợ theo Quyết định số 22 của Chính phủ, với tổng số tiền 14 tỷ 540 triệu đồng; 4 hộ được hỗ trợ từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, với tổng số tiền là 100 triệu đồng; 18 hộ được hỗ trợ thông qua các tổ chức xã hội, các doanh nhân vàng với tổng số tiền 1 tỷ 60 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn quỹ được ví như chất xúc tác khuyến khích NCC và thân nhân NCC vươn lên trong giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Rất thiết thực, cụ thể bằng hành động, việc làm, giai đoạn 2017-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện Phú Lương đã vận động được hơn 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, huyện đã thực hiện tu bổ, sửa chữa nhiều công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ đối tượng chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở, thăm hỏi, hỗ trợ NCC gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, có gần 160 lượt con, cháu NCC nhận được hỗ trợ của Nhà nước về các chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, với tổng số tiền hơn 593 triệu đồng. Gần 500 lượt NCC được điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Gần 5.000 lượt NCC được khám, chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, với tổng trị giá thuốc gần 500 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn này, huyện đã xây dựng, tu bổ, nâng cấp 9 công trình ghi công liệt sĩ, với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 40 triệu đồng cho 28 thân nhân NCC đi thăm mộ chí ở các nghĩa trang trong nước; hỗ trợ di chuyển 11 hài cốt liệt sĩ, với số tiền 41 triệu đồng.
Ông Thủy cho biết thêm: Bằng nhiều nguồn lực huy động chăm sóc NCC, đời sống vật chất, tinh thần của NCC và gia đình NCC từng bước ổn định, nâng cao. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là NCC giảm nhanh, từ 111 hộ cuối năm 2019 giảm còn 82 hộ cuối năm 2020.