Cần thiết phải ban hành luật dân số thay cho pháp luật, pháp lệnh dân số hiện hành. Bởi khi xây dựng luật dân số sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu về cơ cấu, quy mô dân số, phân bổ dân số và chất lượng dân số.
Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở trong mức rất cao, với tỷ lệ trong năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái. Thực trạng trên theo tính toán, năm 2034 sẽ dư thừa tới 1,5 triệu nam giới có độ tuổi từ 15-59, năm 2059 sẽ là 2,5 triệu người. Tỷ lệ sinh con tiếp tục giảm trong suốt 30 năm qua, duy trì ở mức 2,09 con/phụ nữ và mức sinh thấp tập trung ở các đô thị lớn.
Trong khi đó, đến năm 2026, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số “già” và sẽ kéo dài trong suốt 28 năm (giai đoạn 2026-2054). Đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069). Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng lớn tới nguồn lực lao động trong tương lai.
Trước các thách thức về dân số của Việt Nam trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ, cần phải có những kịch bản để chuẩn bị cho quá trình dân số già; Việc xem xét, xây dựng pháp lệnh Dân số kế hoạch hóa gia đình thành Luật dân số là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, nếu tỷ suất sinh duy trì ở mức thấp sẽ tác động tiêu cực đến vấn đề già hóa dân số. Nói một cách đơn giản là thời gian tới số lượng trẻ em sẽ ít đi và khi tuổi thọ cải thiện thì rõ ràng sẽ có nhiều người cao tuổi hơn.
Khi có nhiều người cao tuổi hơn thì bên cạnh những cơ hội sẽ là những thách thức. Thách thức lớn nhất là làm sao đảm bảo được đời sống kinh tế, làm sao đảm bảo được việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây là những câu hỏi đặt ra không chỉ cho Việt Nam mà còn rất nhiều nước khác, nhất là trong bối cảnh chúng ta có thu nhập chỉ ở mức trung bình.
“Ngay từ bây giờ, cần phải đầu tư rất nhiều cho giáo dục, y tế, đảm bảo con người luôn khỏe mạnh, có tri thức ngay từ khi còn trẻ để có thể tham gia sản xuất không chỉ ở Việt Nam mà còn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là những yếu tố mà chúng ta phải chuẩn bị từ trước, không phải đợi đến khi rơi vào tình trạng quá già rồi mới bắt đầu”, PGS.TS Giang Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cảnh báo được đưa ra cho dân số Việt Nam trong tương lai cũng là căn cứ để các cơ quan lập pháp xây dựng các chính sách để đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, cần tính toán việc hạn chế sinh sản để bổ sung nguồn lực trong tương lai.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, tỷ suất sinh con thấp, mất cân bằng giới tính là thực trạng rất đáng báo động ở Việt Nam.
Tỷ lệ sinh đã giảm đi trong nhiều thập kỷ qua trên quy mô toàn cầu, đồng thời với quá trình này, số lượng người già đang tăng lên tương ứng so với dân số trong độ tuổi lao động tại nhiều quốc gia. Một số nước vốn đang ở thời kỳ dân số vàng như Việt Nam cũng đối diện nguy cơ sớm bước vào thời kỳ già hóa nhanh chóng.
Già hóa dân số có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Rõ ràng, khi một phần dân số của một nước không làm việc nữa, những người còn lại phải lao động nhiều hơn và thậm chí còn phải làm việc hiệu quả hơn cải thiện mức sống.
“Chúng ta vẫn có chính sách hạn chế sinh nở, cần phải xem xét lại điều này; Phải nâng cao chất lượng nguồn lao động để nâng cao năng suất lao động nhằm bù đắp lại cho lực lượng lao động thiếu hụt ban đầu. Hiện nay, Quốc hội đang xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, tập trung vào một số nội dung được quy định như duy trì được mức sinh thay thế để khắc phục tình trạng phân bổ không đồng đều giữa các khu vực trong cả nước; đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh; các bước chuẩn bị cho già hóa dân số… Việc xây dựng dự thảo luật bám sát mục tiêu xây dựng dân số bền vững và phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Phạm Quang Vinh cho hay.
Trong bối cảnh tỷ lệ già hóa dân số tăng lên, theo bà Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội tới, cần thiết phải ban hành luật dân số thay cho pháp luật, pháp lệnh dân số hiện hành. Bởi vì khi xây dựng luật dân số sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu về cơ cấu, quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân số, chất lượng dân số.
Bà Yến cho rằng, việc xây dựng luật dân số trong giai đoạn tới cần phải đảm bảo và duy trì được mức sinh thay thế. Bởi hiện nay, chúng ta đã ổn định và duy trì được mức sinh thay thế này nhưng lại không đồng đều giữa các vùng miền, dân tộc.
Nếu mức sinh thấp quá thì sẽ dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là bài toán khó mà luật dân số cần phải giải quyết và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số.
Việc chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với sự thay đổi của dân số của Việt Nam trong tương lai là việc làm cần thiết. Thực tế, sau thời kỳ dân số “vàng” sẽ bước sang thời kỳ dân số “già” vừa là thách thức, vừa là cơ hội, nếu chúng ta nắm bắt đúng thời điểm để sử dụng nguồn lực này góp phần phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, sẽ giải quyết được bài toán “khủng hoảng” con người trong những năm tới đây.