Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Bằng các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, ý nghĩa, NCC và thân nhân được quan tâm chăm sóc, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần, góp phần ổn định, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách...
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cùng với cả nước, quê hương Thái Nguyên có hàng vạn người con lên đường nhập ngũ. Sau chiến tranh, toàn tỉnh có trên 10.000 liệt sĩ, gần 8.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 580 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 2.000 gia đình, cá nhân có công với cách mạng, trên 90.000 người hoạt động kháng chiến đã được tặng thưởng huân, huy chương, trên 80.000 NCC đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 130.000 NCC được công nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC”, trong giai đoạn 2017-2020, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác NCC thông qua lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 210 NCC được công nhận và hưởng chế độ ưu đãi theo quy định.
Gia đình cựu chiến binh Dương Văn Tam (đứng thứ tư từ trái sang), ở xóm Hà Thuận, xã Mỹ Yên (Đại Từ) mới được hỗ trợ trên 40 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Ảnh: Q.T
Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh có 210 NCC với cách mạng được công nhận mới; 785 lượt NCC được hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, Tết; trên 8.400 hộ NCC được hỗ trợ về nhà ở, đất ở; trên 100 tỷ đồng dành để thăm hỏi, tặng quà NCC. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo là NCC giảm từ 1.035 hộ xuống còn 522 hộ năm 2020. Riêng năm 2020, toàn tỉnh có 17.482 NCC, thân nhân NCC được hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19. Cơ quan chức năng cũng đã thực hiện trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần cho 156.754 lượt NCC và thân nhân theo quy định; 44.169 lượt NCC được nhận trợ cấp một lần; 785 lượt người là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động, bệnh tật từ 81% trở lên được hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, Tết; hơn 32.000 lượt NCC được điều dưỡng phục hồi sức khỏe; gần 2.000 lượt NCC được cấp dụng cụ chỉnh hình; 108.800 lượt NCC được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; hơn 34.000 lượt NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe 331.770 lượt NCC được hỗ trợ khám, chữa bệnh.
Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh tổ chức khám giám định y khoa cho 100% các đối tượng theo đề nghị, có 215 người có kết quả đủ làm căn cứ để các cơ quan chức năng quyết định trợ cấp theo quy định, trong đó 176 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 25 con đẻ của NCC và 14 thương binh. Hơn 8.400 hộ NCC khó khăn về nhà ở, đất ở được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 236 tỷ đồng; hơn 2.400 lượt đối tượng là con NCC đang theo học tại cơ sở giáo dục, đào tạo được hỗ trợ với tổng số tiền là 8 tỷ 240 triệu đồng; hỗ trợ 384 lượt thân nhân NCC đi thăm viếng mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.
Cũng trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã xây dựng, tu bổ 70 nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng, tu bổ 52 công trình đền, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ. Qua nguồn tin từ nhân dân, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức cất bốc, quy tập 49 hài cốt bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vào nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) trên diện tích 4,75ha, với tổng kinh phí hơn 136 tỷ đồng, trong đó gần 60 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Nhân dịp Lễ khánh thành Khu di tích, lãnh đạo tỉnh đã trao 70 sổ tiết kiệm tặng các cựu TNXP và thân nhân liệt sĩ TNXP với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Để tạo thêm nguồn lực cho công tác NCC, ngoài kinh phí hỗ trợ, trợ cấp của Trung ương, của tỉnh, Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ được hơn 26,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền quỹ được sử dụng cho công tác chăm sóc NCC, như: Thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ đột suất NCC gặp rủi do, bị bệnh nặng; hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội...
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Sau 3 năm (2017-2020) thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, toàn tỉnh có 99,8% số gia đình NCC đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác NCC. Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh… Đây cũng là những kết quả quan trọng trong công tác NCC trên địa bàn tỉnh.