Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những khái niệm về pháo hoa và pháo hoa nổ. Để nhân dân hiểu và chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, lực lượng Công an T.P Thái Nguyên đã tăng cường tuyên truyền về nội dung này.
Đại úy Lý Xuân Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần hiểu đúng về các loại pháo, tránh nhầm lẫn dẫn tới vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP, có 3 loại pháo gồm: Pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa. Pháo nổ chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng sẽ gây ra tiếng nổ (như pháo bi, cối, bánh, tép). Pháo hoa nổ chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng có tiếng rít, nổ, gây hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Một số loại pháo hoa nổ thường thấy như pháo hoa nổ do lực lượng quân đội bắn vào đêm Giao thừa hàng năm và các loại pháo giàn. Thứ 3 là loại pháo hoa không chứa thuốc pháo nổ sẽ tạo ra các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt loại pháo này không gây ra tiếng nổ (như pháo hoa que, pháo nến, pháo bông). Trong 3 loại pháo trên, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng pháo hoa, nghiêm cấm không được dùng pháo nổ và pháo hoa nổ, trừ những trường hợp được quy định theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP và chỉ được mua của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh.
Để người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về sử dụng pháo, Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an các xã, phường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị định 137/2020/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp người dân vi phạm tùy tính chất, mức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 40 triệu đồng, hoặc bị xử lý hình sự về tội danh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân được phép sử dụng pháo hoa nhưng nếu dùng ở nơi công cộng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự. Công an các xã, phường cũng tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ.
Ông Phạm Văn Cường, tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho biết: Đến ngày 17-1, chúng tôi đã tổ chức cho 232/232 hộ trong tổ ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ. Vừa yêu cầu ký cam kết, chúng tôi vừa tuyên truyền tới từng hộ về Nghị định 137/2020/NĐ-CP để người dân hiểu và chấp hành.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an đã và đang tăng cường tuần tra, nắm bắt địa bàn, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm phát hiện vi phạm để xử lý theo đúng định. Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Thành phố hoàn thiện hồ sơ truy tố, đưa ra các vụ án điểm về pháo ra xét xử để răn đe, phòng ngừa chung trong nhân dân.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 quy định pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Loại pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.