Với 6 khu công nghiệp (KCN), tỉnh Thái Nguyên hiện thu hút, giải quyết việc làm cho trên 93.000 lao động. Nhằm giúp người lao động (NLĐ) yên tâm làm việc, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy vai trò là điểm tựa vững chắc của NLĐ.
Gắn kết NLĐ và doanh nghiệp
Chị Vũ Thị Loan, công nhân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Emtec Vina (KCN Điềm Thụy): “Ngay sau khi nhà tôi bị tốc mái do gió bão, công đoàn các cấp đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ giúp gia đình tôi khắc phục hậu quả. Sự sẻ chia ấy khiến tôi rất cảm động, thêm động lực để làm việc tốt hơn”. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN, gồm: Nam Phổ Yên, Yên Bình, Quyết Thắng, Điềm Thụy, Sông Công I và Sông Công II, với tổng diện tích trên 1.400ha. Hiện 5/6 KCN đã và đang đi vào hoạt động với 236 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 166 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 93.000 lao động. Trong đó, phần lớn NLĐ đã tham gia tổ chức công đoàn.
Với số lượng lao động đông như vậy, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữ chủ doanh nghiệp và người lao động luôn là một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định đây là vấn đề quan trọng, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm tăng mối quan hệ, liên kết, đồng thuận giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ. Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Trên cơ sở đó, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã tích cực thương lượng, đối thoại và ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp.
Đoàn viên Công đoàn Công ty Sr Tech thường tranh thủ giờ nghỉ giải lao để đọc sách từ tủ sách do Công đoàn các KCN tỉnh tặng.
Kết quả, 96% công đoàn cơ sở đã xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động của đơn vị và triển khai đến NLĐ có hiệu quả. Còn lại một số công đoàn cơ sở mới thành lập đang bước đầu xây dựng thỏa ước lao động. Theo kết quả giám sát, kiểm tra của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, ở nơi nào người sử dụng lao động ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể không chỉ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định mà còn tạo ra nhiều lợi ích kép cho doanh nghiệp và NLĐ.
Anh Lương Quang Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP ALK Vina (KCN Điềm Thụy) cho biết: Sau khi tập thể NLĐ thương lượng, đàm phán, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, tôi đã đại diện ký thỏa ước lao động tập thể với Tổng Giám đốc Công ty là người Hàn Quốc. Thỏa ước quy định rõ về hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh, khen thưởng, kỷ luật và giải quyết tranh chấp... theo đúng quy định của pháp luật. Các chế độ, chính sách được thỏa thuận và quy định rõ ràng đã giúp NLĐ yên tâm, gắn bó hơn với công việc, còn doanh nghiệp không phải lo lắng khi có trường hợp NLĐ đòi hỏi quyền lợi không chính đáng. Thông qua việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể, Công đoàn cũng đề nghị tăng quyền lợi của NLĐ, như trước đây chúng tôi chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật, thì với thỏa ước năm 2021, NLĐ trong Công ty sẽ được nghỉ thêm 2 thứ Bảy/tháng, nâng số ngày nghỉ từ trung bình 4 ngày lên 6 ngày/tháng.
Hỗ trợ lao động khi khó khăn
Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, một số doanh nghiệp buộc phải cho NLĐ nghỉ không lương như: Công ty CP Thép Toàn Thắng, Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc… Điều này đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống, thu nhập của NLÐ, đoàn viên công đoàn trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng gây tâm lý lo lắng, khiến NLĐ không tập trung, yên tâm lao động sản xuất. Trước những khó khăn này, công đoàn các cấp đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý NLĐ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Với NLĐ phải nghỉ không lương, giảm lương, các cấp công đoàn đã kịp thời hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm... giúp họ vượt qua khó khăn.
Công đoàn Công ty Rftech Thái Nguyên phổ biến chính sách pháp luật và phòng, chống dịch COVID-19 cho đại diện các đơn vị sản xuất.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: Công đoàn các KCN quản lý 16.250 công nhân, viên chức, NLĐ, với trên 15.700 đoàn viên công đoàn. Trước sự bùng phát của dịch COVID-19, chúng tôi đã triển khai tới 100% doanh nghiệp, công đoàn cơ sở trong KCN thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền công nhân, viên chức, NLĐ cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại; phối hợp với các đơn vị tổ chức phát 57.000 khẩu trang miễn phí, tặng 500 chai nước rửa tay sát khuẩn, phát 5 tấn gạo và 50 thùng mỳ tôm; hỗ trợ 54 NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng COVID-19 từ 1 tháng trở lên bằng tiền mặt và quà với tổng trị giá 23,5 triệu đồng... Ðối với NLĐ thuộc diện phải cách ly, công đoàn cơ sở tham gia kiến nghị để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm, bảo đảm thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống hằng ngày của NLĐ. Trong năm 2020, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tặng trên 115 nghìn suất quà trị giá trên 57 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 34 nhà mái ấm công đoàn cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nghề nghiệp, thuộc diện gia đình chính sách; rà soát, kiến nghị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của NLĐ...
Có thể thấy rằng, công đoàn các cấp đã thể hiện được vai trò là điểm tựa của NLĐ tại các KCN. “Trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là trong việc thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động có lợi cho NLĐ” - Ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh.