Nhà phố là một thuật ngữ để chỉ những ngôi nhà liền kề, nhà chia lô được xây dựng trên các tuyến phố, khu đô thị. Tại T.P Thái Nguyên, nhà phố là một bộ phận cấu thành các đường phố và không gian đô thị, đang có xu hướng lan nhanh ra các khu vực khác bao gồm cả khu vực ngoại thành.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Bá Mạnh, Hội Kiến trúc sư tỉnh, hiện nay, các công trình nhà phố còn lộn xộn, phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị. Do tận dụng đất tối đa nên việc tạo các khoảng lùi, các không gian trống, màu sắc của từng nhóm công trình không được quan tâm dẫn đến tuyến phố buồn tẻ, đơn điệu, không có điểm nhấn. Về kiến trúc, nhà phố trên địa bàn hiện nay còn manh mún, riêng lẻ, ít chú ý đến tổng thể và sự đồng bộ.
Các xu hướng kiến trúc nhái cổ, sai tỷ xích diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các tòa nhà riêng lẻ, xây xen lẫn trong các phố nội thành. Mặt bằng trải dài có chiều sâu lớn, lưu thông không khí theo trục đứng là chủ yếu khiến công trình thiếu mức độ về tiện nghi vi khí hậu, gây nên hiện tượng khí quẩn, khí ngạt ở các không gian sâu trong nhà. Với kết cấu mái, đa số các nhà phố ở Thái Nguyên hiện nay sử dụng thêm một lớp mái tôn ở bên trên để chống nóng, chưa cách nhiệt tối ưu cho công trình trước hiện trạng khí hậu có mức độ và thời gian bức xạ mặt trời lớn ở nước ta.
Bàn về việc phát triển kiến trúc nhà phố, Kiến trúc sư Nguyễn Bá Mạnh cho rằng, về quy hoạch tổng thể, cần có các chỉ dẫn rõ ràng, thống nhất, tránh khiên cưỡng, gò ép, khuyến khích những phong cách có nét đặc trưng riêng của từng vùng, luôn tôn trọng yếu tố xanh cho kiến trúc công trình. Để tạo ra những diện mạo riêng cho từng không gian đường phố, cần xử lý đúng chỗ về khoảng lùi sân, công trình, lề đường, sự đan xen hài hòa giữ vật liệu, màu sắc và cây xanh. Màu sắc làm cho kiến trúc nhà phố, đường phố trở nên sống động, cũng có thể làm cho trở nên rối rắm, vì thế kiến trúc một màu cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu, áp dụng sao cho phù hợp.
Với mô hình nhà phố phổ biến tại T.P Thái Nguyên hiện nay, giải pháp “kiến trúc thoáng hở” được coi là khá thích hợp, trong đó, lớp vỏ của ngôi nhà cần phải che chắn được các tia bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp. Đối với các kết cấu như tường, mái cần được cách nhiệt để hạn chế hiện tượng dẫn nhiệt vào nhà, cùng với đó, không gian bên trong nhà cần được bố trí thông thoáng tự nhiên. Với mặt đứng công trình, kết cấu che nắng nằm ngang được lắp đặt ngay phía trên đầu cửa sổ, cần tăng cường sử dụng theo nhiều dạng linh hoạt để hạnh chế bức xạ nhiệt.
Phần mái của công trình, cần bố trí mái phụ che nắng, tạo một khoảng không khí lưu thông giữa mái và lớp kết cấu phụ. Để có thể tổ chức thông gió xuyên phòng cho nhà phố, cần áp dụng giải pháp thông gió tường đầu hồi, tạo các khoảng hở thông gió phía trên đầu tường trong và ngoài nhà. Trong trường hợp phòng chỉ có một cửa gió vào, cần sử dụng thêm các giải pháp thông gió chủ động như quạt hút gió, chụp hút gió, cầu thông gió để hỡ trợ cho việc thông gió tự nhiên xuyên phòng.
Điều quan trọng được Kiến trúc sư Nguyễn Bá Mạnh và nhiều kiến trúc sư khác hướng tới, đó là với công trình nhà phố xây mới, thiết kế mẫu cần xuất phát từ các yêu cầu của không gian chức năng, kích thước đồ đạc nội thất để tính toán kích thước ngôi nhà, tránh tình trạng chỉ tập trung vào mặt tiền bắt mắt mà đưa ra những không gian tùy tiện, chỗ thừa, chỗ thiếu hoặc không bố trí được nội thất sau này. Các thiết bị và cấu tạo mới, cần được xem xét kỹ lưỡng, áp dụng tối đa để nâng cao chất lượng sử dụng, có khả năng mở trong việc bổ xung, nâng cấp để nâng cao tính tiện ích cho công trình.