Là xã có đến 250ha đất thuộc diện thu hồi để thực hiện Dự án Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, thời gian qua, xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi ở mới. Đến nay, cuộc sống người dân nơi đây đã cơ bản ổn định.
Về xã Tân Quang một ngày đầu tháng 1, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét trong đời sống của người dân. Nếu như trước đây, dọc đường trục chính dẫn vào trung tâm xã phần lớn là ruộng lúa, vườn tạp, thì nay thay vào đó là những ngôi nhà tầng được xây dựng khang trang; nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn… được mở bán với đa dạng mặt hàng. Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Quang thông tin: Từ khi Dự án KCN Sông Công II chuẩn bị được xây dựng trên địa bàn xã, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nằm trong vùng quy hoạch Dự án thực hiện chủ trương di dời của Nhà nước. Đến nay, đã có trên 500 hộ dân ở các xóm La Chưỡng, Bài Lài, Tân Mỹ 2, Làng Dỗ… đồng thuận bàn giao mặt bằng, di dời đến nơi ở mới. Phần lớn các hộ dân đã nhận tiền chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ số tiền này, nhiều hộ đã năng động mở cửa hàng kinh doanh, thích ứng với điều kiện thực tế ở địa phương. Các hộ còn lại đi làm cho công ty, doanh nghiệp… có thu nhập khá hơn nhiều so với làm ruộng trước đây.
Làng Dỗ là xóm có hơn 60 hộ dân có đất bị thu hồi, với diện tích 30ha. Tuy nhiên, người dân trong xóm đã chủ động thay đổi, mở rộng hình thức kinh doanh để nâng cao thu nhập. Anh DươngVăn Võ, người dân trong xóm cho hay: Trước đây, gia đình tôi có gần 3.000m2 đất. Với diện tích này, tôi cũng chỉ trồng lúa và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, lượng khách mua hàng ít, thu nhập không được là bao. Từ khi Nhà nước quy hoạch và xây dựng KCN Sông Công 2, tôi được các cấp, ngành chức năng tuyên truyền là gia đình có đất bị thu hồi. Tôi đã đồng thuận bàn giao cho Nhà nước gần 2.000m2 đất, gia đình tôi còn lại hơn 700m2 đất và được cắm tái định cư tại chỗ. Do diện tích đất này của gia đình tôi sát trục đường 36m, rất thuận lợi cho việc kinh doanh nên tôi đã đầu tư, mở cửa hàng cơm bình dân, hàng tháng, trừ hết chi phí, tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Còn chị Phạm Thị Thúy Ngân, ở xóm Đông Tiến thông tin: Gia đình tôi trước đây ở xóm Tân Mỹ 2 có hơn 10.000m2 đất. Nhưng do xóm Tân Mỹ nằm hoàn toàn trong vùng quy hoạch KCN Sông Công II nên khi được các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền di dời để thực hiện Dự án, tôi rất đồng tình. Gia đình tôi được Nhà nước chi trả tiền bồi thường hơn 5 tỷ đồng. Với số tiền khá lớn như vậy, tôi đã mua đất, xây nhà ở xóm Đông Tiến, đồng thời mở rộng cửa hàng tạp hóa… Trừ chi phí, trung bình một tháng, gia đình tôi có thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
Có thể nói, từ sự năng động trong chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, cùng với đó là những định hướng đúng đắn của các cấp, chính quyền nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, các hộ dân ở xã Tân Quang sau khi bị thu hồi đất đều đã di dời đến nơi ở mới, có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn trước. Nhờ đó, thu nhập bình quân của xã đạt 45 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1% (giảm 2,43% so với năm 2018); cơ cấu kinh tế của xã chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại - dịch vụ.