T.P Thái Nguyên được thành lập tháng 10-1962. Đến nay, trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có địa giới hành chính được mở rộng với 32 đơn vị xã, phường, tổng diện tích tự nhiên trên 222km2, dân số gần 37 vạn người. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn chưa thể có một công viên đúng nghĩa.
Trong ký ức của người dân đã sống ở thành phố, công viên công cộng duy nhất được nhớ đến là Vườn hoa Sông Cầu nằm tại khu trung tâm thành phố, sát với dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng. Do nhu cầu phát triển, công viên đó được chuyển đổi thay bằng Quảng trường Võ Nguyên Giáp như hiện nay. Trong quá trình đô thị hóa với tốc độ khá nhanh, trên địa bàn thành phố có nhiều khu chung cư cao tầng mọc lên, tuy nhiên diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ở những khu vực này tỷ lệ còn rất khiên tốn, thậm chí có nơi sát cạnh các trục lộ giao thông chính, không có quỹ đất để bố trí các vườn cảnh, vườn cây xanh.
Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư (KTS) Trần Hải Hưng (Hội KTS tỉnh) cho biết: Theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012, đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị loại I và loại II là 10-12m2/người; đất cây xanh công viên là 6-7,5m2/người. Nếu áp theo tiêu chuẩn này thì T.P Thái Nguyên đạt thấp so với tiêu chuẩn chung của một thành phố văn minh, hiện đại, thấp xa so với tiêu chuẩn quy định, một số tiêu chuẩn về công viên thì gần như bằng không.
Nói về công viên trong một đô thị hiện đại, nhiều KTS của Hội KTS tỉnh cho rằng, việc bố trí công viên cây xanh trong đô thị có ý nghĩa rất quan trọng, nó không chỉ là lá phổ xanh điều hòa khí hậu, nơi có các hồ tạm chống ngập úng, điều hòa độ ẩm, mà còn là nơi vui chơi nghỉ ngơi, thư giãn của nhiều đối tượng, đồng thời, đây cũng là nơi lý tưởng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng.
Trong cuộc sống hiện đại, con người bị bao quanh mởi máy móc, các bức tường của công trình kiến trúc, ngày càng bị đẩy xa ra khỏi thiên nhiên, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ. Vì thế, một không gian hài hòa với cây xanh, môi trường bên ngoài là rất cần thiết. Cảnh quan xanh không chỉ mang lại những giá trị hữu hình, mà cả những giá trị tinh thần vô cùng cao đẹp, không chỉ tạo ra một đô thị đẹp mắt mà còn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người dân.
Đề xuất về các điều kiện cần có nhằm hướng tới một đô thị phát triển bền vững, theo KTS Trần Hải Hưng cần có giải pháp để tăng diện tích cây xanh cho thành phố tương ứng với tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Thành phố cần dành sự quan tâm thích đáng, có các giải pháp mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác công viên cây xanh một các hiệu quả. Việc phát triển hướng tới một đô thị thông minh, hiện đại, xanh - sạch- đẹp là con đường tất yếu thì việc đầu tư không gian cây xanh công cộng, nhất là công viên cây xanh là điều kiện cần thiết để tạo nên sự phát triển bền vững của thành phố.
* Trong các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, ngoài các công viên thuộc khu ở cần có các công viên khu vực, công viên thành phố, các công viên có chức năng riêng biệt như: Công viên thiếu nhi, công viên thể thao, vườn bách thú, bách thảo, công viên nước…
* Công viên thiếu nhi có quy mô trên 10ha phải tổ chức công viên với nhiều khu chức năng.
* Công viên thể thao phải đảm bảo kích thước sân bãi theo tiêu chuẩn và bố trí hợp lý hệ thống sân bãi tập. Cây xanh phải thỏa mãn yêu cầu thông gió, chống ồn, điều hòa không khí và ánh sáng, cải thiện tốt môi trường vi khí hậu để đảm bảo nâng cao sức khỏe vận động viên và người tham gia thể thao... (Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN9257:2012).