Hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp. Sau gần 55 ngày không phát sinh thêm ca nhiễm mới, đến ngày 27-1, dịch bệnh tiếp tục quay trở lại Việt Nam khi nước ta lần lượt phát hiện thêm các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội...
Đến chiều 29-1, tuy chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới (kể từ ngày 28/3/2020 đến nay), nhưng tỉnh ta vẫn ở mức có nguy đối với dịch COVID-19 do có đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt giữa các tỉnh trong khu vực, mật độ đi lại, di chuyển giữa các vùng qua Thái Nguyên lớn. Hơn nữa, Thái Nguyên còn có các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp hoạt động với số lượng công nhân, người lao động lưu trú trên địa bàn lớn; nhiều người dân trong tỉnh đi làm việc tại các tỉnh, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh và thủ đô Hà Nội… Thêm vào đó, Thái Nguyên còn có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề với số lượng học sinh, sinh viên đông; có nhiều người nước ngoài cư trú; người Việt Nam trở về qua các đường mòn, lối mở; đã từng có ca bệnh dương tính trong giai đoạn trước…
Xác định được nguy cơ đối với dịch bệnh nguy hiểm này, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cho dừng các hoạt động tập thể, tụ tập đông người không cần thiết. Đơn cử như Câu lạc bộ yoga Hoa Sen, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Chị Trần Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho hay: Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức hoạt động đón Tết vào ngày 30-1. Tuy nhiên, nhận được chỉ đạo của chính quyền địa phương là tránh tụ tập đông người khi không cần thiết cũng như để bảo vệ sức khỏe của hội viên, chúng tôi đã dừng toàn bộ các hoạt động của buổi gặp mặt để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Bên cạnh những tổ chức, tập thể, cá nhân có ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch thì một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là; chưa chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, đông người. Có mặt tại khu vực chợ Thái (T.P Thái Nguyên) vào trưa 29-1, chúng tôi nhận thấy vẫn còn trường hợp không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người. Tương tự, tại khu vực chợ Đại Từ cũng xuất hiện một số trường hợp không đeo khẩu trang khi đi chợ. Trong khi đó, tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, nơi công cộng.
Khi tiếp cận với những trường hợp không đeo khẩu trang tại các khu chợ để phỏng vấn, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác. Do đó, để nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch cho người dân thì việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền là rất cần thiết, đòi hỏi các cấp, ngành phải vào cuộc quyết liệt. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nói: Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế) của Bộ Y tế chính là nội dung tuyên truyền hữu ích nhất nhằm vận động toàn dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Thông điệp 5K- “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh nhắc nhở mọi người thực hiện 5 yêu cầu sau: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế...; giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Không tụ tập đông người. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NcoVi; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Căn cứ Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng; không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật; che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch… để phòng COVID-19 có thể bị phạt từ 100.000đ đến 2.000.000 đồng. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân đối với việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tỉnh nên đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định nêu trên.