Vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển và đã được đề nghị lên Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm trên người trong tháng 1-2021.
Đến thời điểm này các đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vaccine đang thử nghiệm.
Trong đó, vaccine của NANOGEN đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Ngày 14-1, Học viện Quân y bắt đầu tiêm mũi 2 vaccine NanoCovax liều 25mcg cho 3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 1 sau 28 ngày tiêm mũi 1. Cùng ngày, 10 tình nguyện viên khác được tiêm vaccine NanoCovax mũi 1 liều 75mcg. Nhiều khả năng, giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam sẽ bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán và duy trì 2 mức liều.
NanoCovax là vaccine tái tổ hợp protein S, là đoạn giai của virus SARS-CoV-2, có các loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.
Vaccine thứ 2 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển và đang đề nghị Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm trên người vào tháng 1-2021. Nếu thử nghiệm thành công thì dự kiến đến Quý 2 năm 2022, vaccine có thể đưa ra thị trường trong nước.
Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người. Hiện nay, có 5 loại vaccine hoặc các nền tảng nghiên cứu đã được ứng dụng và có 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, với khoảng 28 triệu liều vaccine đã được sử dụng. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một quốc gia là nước có thu nhập thấp. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhất thế giới, với hơn 10 triệu người đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Đến nay, EU đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với 2 loại vaccine, một của hãng Pfizer/BioNTech và một của hãng Moderna. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động tiến trình phê chuẩn vaccine thứ 3 ngừa bệnh COVID-19 trong bối cảnh các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay ngay cả khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng đại trà.