Người lao động và nỗi niềm tiền Tết

18:08, 04/02/2021

Với người lao động, năm 2020 khép lại còn đọng bao nỗi niềm. Nhất là những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đào vừa độ trổ hoa, mẹ già mong đồng quà, trẻ nhỏ mong có manh áo mới. Bao háo hức, hồi hộp và chờ đợi, với  người có thu nhập cao thì đó là chuyện nhỏ, nhưng với đa số người lao động phổ thông thì chưa hẳn đã mong mỏi Tết về. Vì một lẽ rất đỗi tự nhiên - Tết không thể không tiêu tiền. 

Hơn thế, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trên địa bàn của tỉnh có hơn 800 doanh nghiệp tạm dừng, dừng hẳn hoạt động hoặc hoạt động gián đoạn. Theo đó là gần 13.700 người lao động thôi việc; 7 lao động mất việc làm; 455 người lao động tạm hoãn hợp đồng, phải giãn việc nghỉ luân phiên.
 
Chưa bao giờ các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn như năm 2020. Nhiều chủ doanh nghiệp phàn nàn: Đây là một khó khăn… chưa có tiền lệ, một khó khăn lần đầu phát sinh làm cả người sử dụng lao động và người lao động cùng rơi vào thế bí. Nặng nề nhất phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ vận tải; du lịch, lữ hành và ẩm thực. Tuy những tháng cuối năm đã có dấu hiệu phục hồi kinh tế, nhưng cơ bản vẫn dừng lại ở mức đang tập trung ổn định, chưa có thu hoạch lớn như các năm trước đây. Chính vì thế mà đa số các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này không có động thái thưởng tiền Tết cho người lao động. Và người lao động cũng cảm thông, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách không đòi hỏi tiền lương tháng thứ 13, tiền thưởng Tết Nguyên đán.
 
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tại 656 doanh nghiệp có báo cáo tình hình tiền lương năm 2020 và tiền thưởng Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán năm 2021, với tổng số gần 146.000 lao động; trong đó 4 công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hơn 800 lao động; 10 công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, hơn 4,800 lao động; 565 doanh nghiệp dân doanh, gần 46.000 lao động; 77 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 106.000 lao động có mức lương bình quân đạt 8,22 triệu đồng/người/tháng. Người lao động đạt mức lương cao nhất đang làm việc tại Công ty Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo là 150 triệu đồng/tháng. Người đạt mức lương thấp nhất là ở Khối doanh nghiệp dân doanh, 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên trong cả năm, lao động tại khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nhất, hơn 10.000 người lao động thôi việc; 16 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động. Tiếp đến là Khối doanh nghiệp dân doanh, gần 3.500 người lao động thôi việc, 439 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động… Đặc biệt trong năm có 1 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, phải vay tiền trả lương cho lao động ngừng việc. Đến đầu tháng 1-2021, trên toàn tỉnh còn tồn 113 trường hợp người lao động bị chủ sử dụng lao động nợ lương, chưa có hướng giải quyết với tống số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
 
Cho đến thời điểm này, vẫn có nhiều người tự tin nói hóm hỉnh: “Giàu có ba mươi Tết mới hay”. Tức là trong lòng vẫn “tràn đầy niềm tin và hy vọng”, rằng chủ sử dụng lao động sẽ chi thưởng để mọi người có tiền sắm sanh, lo cho 3 ngày Tết đoàn viên. Nhưng Tết Dương lịch năm 2021 đã qua, kiểm lại có 115/656 doanh nghiệp chi thưởng (chiếm 17,5%). Theo đó có hơn 80.500/146.000 người lao động được nhận tiền thưởng (chiếm 55%). Bình quân tiền thưởng đạt 450.000 đồng/người. Người lao động được nhận tiền thưởng cao nhất là ở Công ty TNHH SEKWANG VINA 30 triệu đồng; người nhận tiền thưởng thấp nhất là 100.000 đồng. Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, “chốt sổ” tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 423/656 doanh nghiệp công bố chi thưởng (chiếm 65%); theo đó có hơn 128.000 người lao động được thưởng Tết (chiếm 87%). Bình quân tiền thưởng đạt 5,8 triệu đồng/người. Người lao động được nhận tiền thưởng cao nhất là ở Công ty CP Elovi Việt Nam, 190 triệu đồng; người nhận tiền thưởng thấp nhất là 200.000 đồng.
 
Tết Nguyên đán đang “thập thò ngoài ngõ”, lá dong gói bánh chưng, gạo nếp, đỗ xanh và các mặt hàng Tết được bày bán la liệt. Tại các siêu thị, các chợ, người mua, người bán qua lại tấp nập hơn so với thường ngày. Ở mọi nơi chốn đều thấy bàn chuyện tiền thưởng Tết. Có nhà chơi sang khiêng về cả cây đào cổ thụ, nhưng đa số người lao động còn phân vân việc mua gì, sắm gì, ăn cái gì cho phù hợp với mức thu nhập của mình. Đắn đo hơn cả là những người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch COVID-19, lương thấp, thậm chí không có lương, bàn gì đến tiền thưởng Tết Nguyên đán. Nỗi niềm tiền tết đong chật lòng, nhưng thôi, cầm lòng vậy, bằng lòng vậy, cùng nhau ăn một cái Tết tùng tiệm, vui vẻ đoàn viên để san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.