Sau rằm tháng Chạp, người dân xóm tôi (xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên) rủ rau vệ sinh đường làng ngõ xóm, trang trí thêm cờ và lồng đèn dọc tuyến đường khu dân cư để chào đón năm mới. Câu chuyện vô cùng rôm rả và sắm Tết là nội dung được nhiều người bàn đến hơn cả.
Bà Khánh lên tiếng, dù không có dịch COVID-19 bùng phát trở lại thì Tết này, nhà tôi cũng hạn chế sắm sửa. Nhiều năm bọn trẻ cứ mua bán bừa phứa, chả ăn được hết, rất phí. Năm ngoái, con út nhà tôi mua cả bao tải cam về ăn chả kịp, cứ thối dần, mỗi ngày vứt chăn gà vài quả. Hoa và cây cảnh cũng thế, chúng nó cứ giăng từ sân vào đến nhà. Năm nay tôi dặn rồi, chỉ mua đủ dùng, sao cho có không khí Tết là được.
Dừng tay, bà Hoàn tham gia vào câu chuyện, nhà em năm nay cũng không thịt hay đụng lợn ăn nữa. Ăn chẳng được bao nhiêu, thịt chất đầy tủ, chế biến vừa vất vả mà phải năm nào thời tiết ấm, nồm, thịt còn hỏng. Vừa tốn kém vừa phải ăn đồ cũ mất ngon. Em đang bảo, đến 30 Tết, ra chợ mua lấy đôi, ba cân thịt đủ ăn trong mấy ngày Tết thôi. Mùng 3, mùng 4 Tết, chợ lại bán đầy rồi.
Chị Thắm vừa căng lại dây cờ đuôi nheo vừa chen ngang vào câu chuyện: Cháu tưởng năm nay mình nhà cháu tiết kiệm, hóa ra các bà cũng cùng suy nghĩ như thế. Năm nay, “cô - vít” mình may mắn không bị ảnh hưởng nhiểu nhưng đọc báo, xem truyền hình thấy nhiều người khổ vì dịch bệnh quá, mỗi lúc như thế cháu lại nghĩ, cần chi tiêu tiết kiệm lại còn đề phòng cuộc sống chả may có lúc này lúc khác. Đơn giản nhất như mọi năm, chỉ tính mua 2 mâm phật thủ để ban thờ cháu đã mất hàng triệu bạc rồi. Năm nay, nhà cháu có cây bưởi chín vàng ruộm, cháu sẽ bày hai mâm bưởi vẫn đẹp, ý nghĩa, mà lại tiết kiệm được khối tiền. Rồi chị xởi lởi: Nếu các bà cần thì chiều 30 Tết qua nhà cháu, cháu cắt bưởi biếu các bà về bày mâm ngũ quả nhé. Cây nhà cháu sai lắm, nhà cháu dùng cũng không hết.
Một buổi khác, tôi đi mua đồ chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo, rẽ vào một hàng chuyên bán đồ mã quen nằm trong tầng hầm chợ Thái. Chị chủ hàng nhanh nhẹn luôn miệng chào mời khách. Đợi khách vãn, tôi hỏi thăm chị: Tình hình buôn bán có vẻ tốt phải không chị?.Chị chủ khẽ lắc đầu nói: Lượng người mua thì vẫn thế em ạ, có điều năm nay toàn khách mua hàng loại thường thôi, loại tuyển đẹp, chị bán được rất ít. Một bộ mã gồm quần áo, mũ, hài của ông Công, ông Táo loại giấy đẹp (loại giấy có độ bóng và cứng cáp) mà chị chủ hàng gọi là “hàng tuyển” dao động ở mức giá 70.000 - 75.000 đồng. Trong khi đó, cùng loại nhưng làm bằng giấy thường chỉ có giá từ 20.000 -25.000 đồng/bộ.
Trò chuyện với một chị khách hàng tại đây, chị chia sẻ: Mọi khi, tôi cũng luôn chọn những bộ mã to, đẹp và đắt tiền nhất. Nhưng đọc sách nhà Phật nhiều tôi nhận ra, trong việc thờ cúng tổ tiên thì tâm thành mới là điều quan trọng nhất, bề trên cũng sẽ không vì lễ to hay lễ nhỏ mà phù hộ nhiều hay ít. Thế nên năm nay tôi thay đổi, chỉ mua vàng mã vừa đủ. Chỉ cần mình sửa soạn mâm lễ bằng chính sự thành tâm của mình là được.
Dạo vài vòng qua các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, dễ dàng nhận thấy sức mua tăng hẳn so với ngày thường. Người ra vào nườm nượp. Song theo nhân viên bán hàng tại các siêu thị Lan Chi, Minh Cầu… thì đa phần khách hàng đều lựa chọn các sản phẩm có giá tầm trung của các đơn vị có uy tín trong nước. Còn theo một chủ cửa hàng trang sức nằm trên đường Lương Ngọc Quyến, T.P Thái Nguyên, theo quan niệm từ xa xưa, trang sức không chỉ đại diện cho cái đẹp mà còn tượng trưng cho sự thịnh vượng. Bởi vậy, thông thường vào dịp cuối năm, cửa hàng sẽ bán được khá nhiều bộ trang sức, khách mua “diện Tết” với mong muốn có một năm dư giả tiền bạc. Tuy nhiên, năm nay, lượng mua các loại trang sức cho mục đích “trưng diện” ít đi. Thay vào đó, các sản phẩm được lựa chọn chủ yếu là nhẫn trơn và vàng miếng phục vụ cho mục đích tích lũy…
Mới nói, nhu cầu và mong muốn của mỗi người là vô hạn, song thay đổi một số thói quen để thích nghi, để làm cuộc sống “dễ thở hơn” là điều cần thiết. Ngày Tết cũng vậy, nếu chúng ta biết mua sắm trong khả năng, biết tự bằng lòng với những gì mình có thì dù chi tiêu ít hơn vẫn thấy đủ. Mà Tết đủ là vui!