Tết với những người ở “thế giới riêng”

20:44, 09/02/2021

Không tấp nập, nhộn nhịp mà chỉ được điểm to bằng vài sắc màu của cây đào, cây quất hay mấy bức tranh trang trí, những ngày giáp Tết, các cơ sở điều dưỡng, chữa bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh đón chúng tôi bằng không khí khá vắng lặng. Bên dưới những tán cây xanh mát, hay bên những góc sân, từng nhóm bệnh nhân tâm thần (dân gian quen gọi là người điên) đi lại, nói chuyện, cười đùa. Họ như sống trong thế giới riêng mình nhưng vẫn vui vẻ, thấp thỏm chờ đợi khi hương Tết len lỏi đâu đây.

Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2021. Hôm đó, Câu lạc bộ Nhân ái Thái Nguyên 11-11 tổ chức chương trình chung tay làm bữa cơm Tết cho 100 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Vừa dọn các món ăn nóng hổi, các thành viên Câu lạc bộ chia sẻ: Tết đến, Xuân về, ai cũng mong ngóng được trở về đoàn viên bên gia đình, được hưởng tình cảm ấm áp bên người thân trong những ngày đầu năm mới với những bữa cơm sum họp. Nhưng nhiều bệnh nhân tâm thần ở đây không có được điều đó. Hiểu và chia sẻ với họ, chúng tôi dành hết tâm sức để chuẩn bị các món ăn mang hương vị truyền thống như bánh chưng, giò lụa, nem rán, canh măng móng giò, thịt gà luộc… giúp họ tận hưởng đầu đủ không khí đón Tết.

Ngồi chậm rãi thưởng thức từng món ăn, trong ánh mắt của bệnh nhân Lê Thành Đức, sinh năm 1977 (T.P Hà Nội) thoáng chút hoài niệm. Xa quê đã 20 năm là từng đấy thời gian đón Tết tại bệnh viên nhưng hương vị Tết vẫn luôn phảng phất trong ký ức của anh Đức. Anh nói: Tết ở đây cũng đủ đầy nhưng ở nhà vui hơn vì có gia đình, có người thân. Bố mẹ anh mất sớm, từ nhỏ anh Đức được chú ruột đưa về nuôi. Ở độ tuổi 20 tuổi, anh thường xuyên bị đau đầu, cùng với chứng hoang tưởng. Chạy chữa nhiều nơi, đến năm 24 tuổi, anh được chú đưa đến đây chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên và ở lại từ đó đến nay. Khi được hỏi có muốn về với gia đình không, anh bảo: Không! Tôi ở đây đã quen rồi, vả lại cũng không muốn về vì sợ làng xóm kì thị. Tết ở đây cũng được ăn thịt gà, bánh chưng, trái cây rồi bánh mứt kẹo đầy đủ luôn. Sống ở đây nhiều năm, các bác sĩ và bệnh nhân khác đã thành người nhà của tôi rồi. Người nhà thì nên đón Tết cùng nhau!...

Cũng có “thâm niên” ăn Tết xa nhà, bệnh nhân Trần Nguyên Cương, sinh năm 1969 (T.P Thái Nguyên) kể cho tôi nghe về quá trình đến với Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh (Sở Lao động - Thương binh Xã hội). Bằng chất giọng khàn khàn, Cương xưng “em” và ngây ngô kể: Em vào đây từ năm 1996, khi đó mới 27 tuổi. Trước khi vào đây, em thường xuyên bị đau đầu và hoang tưởng nhiều thứ không có thật. Vào đây điều trị, suốt 15 năm đầu bệnh của em nặng lắm. Làm khó bác sĩ đủ đường luôn. Dần dần, môi trường sống cùng với sự quan tâm tình cảm, gần gũi, thương yêu của các nhân viên y tế, bệnh tình của em đã thuyên giảm. Từ chỗ không làm chủ được hành vi thì giờ khi Tết đến, em cùng mọi người trang trí cành đào, cùng nhau thức ngóng đợi giờ phút Giao thừa để chúc nhau năm mới tốt lành.

Trong mỗi câu chuyện với bệnh nhân tại các cơ sở điều dưỡng, chữa bệnh tâm thần, chúng tôi nhận thấy đa số những người ở lại ăn Tết đều có hoàn cảnh khó khăn. Có người thuộc diện lang thang, người thì gia đình không có điều kiện chăm sóc, có người do bệnh nặng không trở về nhà được... Tuy vậy, khi ở lại đón Tết tại các cơ sở điều dưỡng, chữa bệnh họ vẫn luôn được quan tâm để đón một cái Tết đủ đầy nhưng ý nghĩa.

Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm lo Tết cho bệnh nhân, ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng tâm thần kinh cho 240 bệnh nhân tâm thần phân liệt mãn tính nặng, đặc biệt nặng hoặc những bệnh nhân tâm thần phân liệt không có khả năng kiểm soát bệnh tại cộng đồng. Thường vào dịp Tết, các bệnh nhân được người nhà đón về. Những người ở lại, chúng tôi cố gắng tổ chức cho bệnh nhân đón Tết Nguyên đán theo đúng phong tục cổ truyền đảm bảo vui vẻ, an toàn và tiết kiệm. Vào dịp Tết, mỗi khẩu phần ăn theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước khoảng 135 nghìn đồng/người/ngày (cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo không khí cởi mở, hòa nhập cho bệnh nhân, qua đó giúp bệnh nhân giải tỏa tâm lý…

Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho biết thêm: Trong những ngày Tết, Bệnh viện cũng sắp xếp các kíp trực gồm 4 cấp theo đúng quy định gồm: lãnh đạo, chuyên môn, hành chính, hậu cần. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện cũng đảm bảo các suất ăn an toàn, đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng như quyền lợi cho cán bộ trực tại viện…

 “Bệnh nhân Nguyễn Văn Dung, đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh: Dù đã lớn tuổi nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi vẫn háo hức ngóng đợi không khác gì thời ngày bé. Mong đợi được về nhà cùng người thân sum vầy bên mâm cơm tất niên ấm cúng quyện mùi hương trầm ngan ngát...”